Ở công sở máy lạnh 8 giờ/ngày, sức khỏe gặp rắc rối  

Ở công sở máy lạnh 8 giờ/ngày, sức khỏe gặp rắc rối  

 

TT - Nhiều người ở suốt trong văn phòng làm việc khoảng 8 giờ/ngày, và gặp rắc rối về sức khỏe dù hầu hết cao ốc văn phòng có hệ thống thông khí và điều hòa phù hợp

About JW Player 6.10.4906 (Premium edition)

 

 Picture23

Khi ngồi làm việc cần ngồi đúng tư thế và sau mỗi hai tiếng nên đứng lên tập nhẹ vài động tác giúp tuần hoàn máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn.

Đặc biệt những người có bệnh lý về đường hô hấp như suyễn, viêm mũi dị ứng, một số bệnh lý tai mũi họng, cũng như các bệnh lý dị ứng ngoài da khác rất dễ bị môi trường làm việc ảnh hưởng sức khỏe.

Nơi dễ lây bệnh cảm

Bà Nguyễn Thị T. (35 tuổi, ở Q.10, TP.HCM) vừa sụt sịt mũi, giọng khào khào, mệt mỏi kể với chúng tôi tại phòng khám: “Mới tuần vừa rồi tôi còn rất khỏe, vậy mà có nhỏ bạn làm chung văn phòng bị cảm, nay cả phòng bị cảm luôn rồi! Mũi tôi nghẹt suốt ngày không thở được.

Còn buổi tối thì ho không ngủ được. Tôi cứ đau họng và hắt xì sổ mũi rất nhiều, nói không ra tiếng, toàn thân thì cứ như ai đánh, nhức mỏi không chịu nổi”.

Tình trạng nhiễm siêu vi, trong dân gian thường được gọi là bệnh cảm, là tình trạng bệnh do virút (siêu vi trùng) gây ra. Bệnh này thường có các triệu chứng như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ê ẩm mình mẩy và nóng sốt. Bệnh nhân thường tự khỏi sau 5-7 ngày.

Tuy nhiên đây là bệnh lý rất dễ lây lan, đặc biệt trong những ngày đầu của bệnh, hình thức lây lan là từ người sang người bằng giọt bắn nước bọt có chứa virút của người bệnh khi ho, khi hắt xì hoặc thậm chí là khi nói.

Ngoài ra cũng có thể lây lan qua các vật dụng dùng chung như máy tính, máy in, máy photocopy, tay nắm cầu thang, tay nắm cửa có dính giọt bắn của người bệnh.

Các văn phòng với cách sắp xếp bàn ngồi làm việc san sát, trong khi đó hệ thống thông khí kém, nhân viên bị bệnh vẫn đi làm là các yếu tố làm tình trạng nhiễm siêu vi rất dễ lây lan.

Hội chứng bệnh văn phòng

Anh Trần Văn H. (40 tuổi, ở Q.2, TP.HCM) nhăn mặt kể: “Cả năm nay rồi, từ ngày về làm việc ở văn phòng mới, tôi ở nhà không sao, ra đường cũng không sao, cứ vô văn phòng là căn bệnh viêm mũi dị ứng lại bùng phát, suốt ngày cứ hắt xì, sổ mũi, ho. Cùng văn phòng tôi cũng có hai, ba người bị tương tự như thế”.

Hội chứng bệnh văn phòng được dùng để mô tả tập hợp các triệu chứng của bệnh lý sinh ra từ những nơi làm việc có chất lượng không khí kém, ở đó có nhiều nhân viên thường mắc phải các triệu chứng về hô hấp, thần kinh và ngoài da, chẳng hạn như chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt xì, ngứa mắt, đau họng, ho, khó thở, khô da, ngứa da. Các triệu chứng này nặng lên khi người làm việc tới văn phòng và thuyên giảm khi ra khỏi văn phòng.

Mặc dù có thể trong cùng một văn phòng, các triệu chứng này xuất hiện thay đổi khác nhau tùy từng người và vào những khoảng thời gian khác nhau.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nữ bị nhiều hơn nam, do thời gian ở trong văn phòng của nữ nhiều hơn và hệ miễn dịch của nữ nhạy cảm hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế việc chẩn đoán hội chứng bệnh văn phòng vẫn còn nhiều bàn cãi do thiếu những bằng chứng sinh học khách quan liên hệ giữa triệu chứng và môi trường bên trong các văn phòng. Nhiều nghiên cứu vẫn chưa tìm ra những yếu tố đặc hiệu. Song các yếu tố nguyên nhân có thể là: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tiếng ồn, màn hình máy tính, mật độ nhân viên trong văn phòng, áp lực công việc và sự bất mãn hoặc căng thẳng trong công việc.

Tạo ra môi trường khỏe mạnh để phòng bệnh

Để phòng bệnh cảm cho bản thân cũng như đồng nghiệp, ngoài cách phòng ngừa chung là tập thể thao, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi điều độ, người làm việc văn phòng khi bị cảm tốt nhất là nên xin nghỉ ngơi làm việc tại nhà, hoặc nếu bắt buộc phải đi làm thì nên mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trò chuyện, hội họp và đặc biệt chú ý thường xuyên rửa tay trước khi tiếp xúc các máy móc dùng chung như máy photocopy, máy lọc nước, tay nắm cửa, nút ấn thang máy, tay vịn cầu thang.

Muốn cải thiện chất lượng môi trường văn phòng, bên cạnh các nguyên tắc chung như thường xuyên quét dọn, hút bụi, khử mùi, lọc không khí, thay các bóng đèn đủ sáng, cần xem xét các yếu tố khác liên quan đến toàn bộ kiến trúc của nơi làm việc như: chống ẩm và nấm mốc cho tường, thảm lót sàn và trần nhà; đảm bảo hệ thống không khí hoạt động tốt và được bảo trì đúng thời hạn; thường xuyên làm vệ sinh các hệ thống điều hòa và đặt máy điều hòa ở những vị trí thích hợp để đảm bảo dòng không khí lưu thông đều khắp trong phòng.

Hằng ngày, khi làm việc nên sắp xếp công việc hợp lý, tránh căng thẳng do quá tải. Nếu phải tập trung làm việc lâu trước máy tính nên để chế độ tắt màn hình từ 5-10 phút sau mỗi hai giờ. Đi ra ngoài hít thở không khí tự nhiên và đi bộ trong giờ giải lao hoặc trước giờ ăn trưa. Khi làm việc cần ngồi đúng tư thế và sau mỗi hai giờ nên đứng lên tập nhẹ vài động tác giúp tuần hoàn máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn. Nên để vài cây kiểng trong góc phòng hoặc trên bàn làm việc để hút bớt khí độc và cung cấp thêm ôxy.

Bệnh từ các vật dụng quen thuộc

Người làm văn phòng dễ bị mầm bệnh tấn công từ hệ thống thông khí không bảo trì đúng thời gian, không hút bụi bặm; vật dụng có chất hữu cơ bay hơi như đồ đạc nội thất, mực từ máy photocopy, máy in, thảm lót sàn; các chất khí sinh ra từ các chất liệu xây dựng văn phòng hoặc các máy chống ẩm, máy khử mùi, các hóa chất dùng để vệ sinh tẩy rửa, xịt côn trùng.

Khi tiếp xúc lâu dài với các tác nhân này ở một nồng độ nhất định, hội chứng bệnh văn phòng sẽ dần dần xuất hiện.

Đầu tiên là niêm mạc mũi họng bị kích thích như ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt xì, khô họng, ngứa họng, ngứa mắt, sau đó là phổi bị kích thích gây nên ho, khó thở. Với những người có cơ địa dị ứng, bệnh dị ứng sẽ rất dễ bùng phát như viêm mũi dị ứng, chàm hoặc suyễn.

Lâu dần các tác nhân này sẽ tác động lên hệ thần kinh gây nên các triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, kém tập trung, chán nản, lo âu, trầm cảm, năng suất làm việc trở nên kém hiệu quả.

Ths.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)