Tai mũi họng tổng quát

Tai mũi họng tổng quát

Đột nhiên chóng mặt dữ dội kèm buồn nôn, có nguy hiểm?

 

TTO - Đây là một bệnh ít gặp, tần suất của bệnh khoảng một phần nghìn, bệnh thường xảy ra ở nữ gấp hai hoặc ba lần ở nam ở độ tuổi sau 50 tuổi, dù có thể gặp ở mọi lứa tuổi. 

 Picture24

Tên khoa học của bệnh là: chóng mặt kịch phát tư thế lành tính

Bệnh nhân nữ, 55 tuổi, đến phòng khám mặt vẫn còn bơ phờ, hốt hoảng vì sáng nay khi ngủ dậy, vừa xoay người ngồi dậy bỗng nhiên cảm thấy mọi vật trong phòng bỗng nhiên quay cuồng, trong người bệnh nhân có cảm giác cực kỳ khó chịu, buồn nôn và nôn.

Cơn chóng mặt diễn ra rất nhanh và hết ngay sau đó, tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn cảm giác lâng lâng, và dường như cơn chóng mặt muốn trở lại khi bệnh nhân thay đổi tư thế. Bệnh nhân cực kỳ lo lắng, hoảng hốt vì từ trước đến giờ mình chưa bị lần nào.

Đây là bệnh gì?

Đây là một bệnh ít gặp, tần suất bệnh khoảng một phần nghìn, thường xảy ra ở nữ gấp hai hoặc ba lần ở nam sau 50 tuổi, dù có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Vì triệu chứng chính của bệnh là chóng mặt dữ dội, xảy ra một cách đột ngột, thường kéo dài dưới một phút khi có sự thay đổi tư thế, đặc biệt là sự chuyển động đột ngột của đầu, nhưng sau đó hết không để lại biến chứng hay hậu quả nghiêm trọng nên tên khoa học của bệnh là: chóng mặt kịch phát tư thế lành tính.

Bệnh do nguyên nhân gì?

Các yếu tố thường gặp làm cho một người dễ mắc bệnh này hơn người khác hay còn gọi là yếu tố nguy cơ là: chấn thương đầu, có phẫu thuật tai trước đó, nhiễm siêu vi hoặc đau nửa đầu.

Tai của chúng ta có ba phần: tai ngoài để hứng âm thanh bao gồm vành tai và ống tai; tai giữa gồm màng nhĩ, khoang tai giữa và chuỗi xương còn có chức năng dẫn truyền âm thanh; tai trong gồm hai bộ phận là ốc tai dẫn truyền âm thanh lên não và tiền đình gồm có ba ống bán khuyên nằm theo ba chiều trong không gian để giữ thăng bằng cho cơ thể.

Nguyên nhân của bệnh là do các tinh thể canxi, hay còn được gọi là sỏi trong các ống bán khuyên chuyển động hoặc nằm sai vị trí, làm các tín hiệu dẫn truyền lên não báo cơ thể đang ở một tư thế khác với tư thế hiện tại nên cảm giác chóng mặt xảy ra.

Bệnh xảy ra khi nào và có nguy hiểm không?

Bệnh hoàn toàn không nguy hiểm. Bệnh chỉ xảy ra khi có sự thay đổi tư thế của đầu và tình huống thường gặp là đang nằm trên giường ở một tư thế khá lâu, sau đó xoay trở qua lại hoặc ngồi dậy, đứng dậy đột ngột hay cúi đầu ra trước đột ngột.

Bệnh không xảy ra khi lái xe hoặc các tư thế không có sự di chuyển đột ngột của đầu. Bệnh xảy ra rất đột ngột và dữ dội nhưng sau cơn bệnh không để lại hậu quả gì, không ảnh hưởng đến thính giác hoặc thị giác khi cơn chóng mặt chấm dứt. Tuy nhiên một số ít trường hợp, bệnh có thể tái phát vào vài ngày, vài tháng hoặc vài năm sau đó.

Bệnh được điều trị như thế nào?

Nếu không điều trị, bệnh tự khỏi sau 2-4 tuần. Tuy nhiên trong đợt cấp của bệnh, các triệu chứng nôn và buồn nôn cần được điều trị bằng thuốc và bệnh nhân cần hỗ trợ một số thuốc tăng tuần hoàn não và giảm chóng mặt.

Trong trường hợp cơn chóng mặt có chiều hướng trở lại, bác sĩ sẽ thực hiện nghiệm pháp xoay đầu để lắc các tinh thể canxi trong các ống bán khuyên về vị trí cũ. Bệnh nhân cần nằm tư thế đầu cao, thân người và chân làm thành góc 45 độ trong 2-3 ngày sau cơn chóng mặt hoặc sau khi bác sĩ chuyên khoa thực hiện nghiệm pháp quay đầu để các tinh thể canxi trong ống bán khuyên được cố định ổn định không còn chuyển dịch nữa.

Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Đối với những người từng bị bệnh hoặc những người tuổi trên 50, đặc biệt là nữ giới, cần hạn chế các động tác xoay chuyển đầu mạnh và đột ngột trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt là khi tập thể dục. Đã có không ít bệnh nhân bị bệnh này khi tập yoga với các tư thế không phù hợp.

 

Th.s, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - BV FV.TP.HCM

Ở công sở máy lạnh 8 giờ/ngày, sức khỏe gặp rắc rối  

 

TT - Nhiều người ở suốt trong văn phòng làm việc khoảng 8 giờ/ngày, và gặp rắc rối về sức khỏe dù hầu hết cao ốc văn phòng có hệ thống thông khí và điều hòa phù hợp

About JW Player 6.10.4906 (Premium edition)

 

 Picture23

Khi ngồi làm việc cần ngồi đúng tư thế và sau mỗi hai tiếng nên đứng lên tập nhẹ vài động tác giúp tuần hoàn máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn.

Đặc biệt những người có bệnh lý về đường hô hấp như suyễn, viêm mũi dị ứng, một số bệnh lý tai mũi họng, cũng như các bệnh lý dị ứng ngoài da khác rất dễ bị môi trường làm việc ảnh hưởng sức khỏe.

Nơi dễ lây bệnh cảm

Bà Nguyễn Thị T. (35 tuổi, ở Q.10, TP.HCM) vừa sụt sịt mũi, giọng khào khào, mệt mỏi kể với chúng tôi tại phòng khám: “Mới tuần vừa rồi tôi còn rất khỏe, vậy mà có nhỏ bạn làm chung văn phòng bị cảm, nay cả phòng bị cảm luôn rồi! Mũi tôi nghẹt suốt ngày không thở được.

Còn buổi tối thì ho không ngủ được. Tôi cứ đau họng và hắt xì sổ mũi rất nhiều, nói không ra tiếng, toàn thân thì cứ như ai đánh, nhức mỏi không chịu nổi”.

Tình trạng nhiễm siêu vi, trong dân gian thường được gọi là bệnh cảm, là tình trạng bệnh do virút (siêu vi trùng) gây ra. Bệnh này thường có các triệu chứng như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ê ẩm mình mẩy và nóng sốt. Bệnh nhân thường tự khỏi sau 5-7 ngày.

Tuy nhiên đây là bệnh lý rất dễ lây lan, đặc biệt trong những ngày đầu của bệnh, hình thức lây lan là từ người sang người bằng giọt bắn nước bọt có chứa virút của người bệnh khi ho, khi hắt xì hoặc thậm chí là khi nói.

Ngoài ra cũng có thể lây lan qua các vật dụng dùng chung như máy tính, máy in, máy photocopy, tay nắm cầu thang, tay nắm cửa có dính giọt bắn của người bệnh.

Các văn phòng với cách sắp xếp bàn ngồi làm việc san sát, trong khi đó hệ thống thông khí kém, nhân viên bị bệnh vẫn đi làm là các yếu tố làm tình trạng nhiễm siêu vi rất dễ lây lan.

Hội chứng bệnh văn phòng

Anh Trần Văn H. (40 tuổi, ở Q.2, TP.HCM) nhăn mặt kể: “Cả năm nay rồi, từ ngày về làm việc ở văn phòng mới, tôi ở nhà không sao, ra đường cũng không sao, cứ vô văn phòng là căn bệnh viêm mũi dị ứng lại bùng phát, suốt ngày cứ hắt xì, sổ mũi, ho. Cùng văn phòng tôi cũng có hai, ba người bị tương tự như thế”.

Hội chứng bệnh văn phòng được dùng để mô tả tập hợp các triệu chứng của bệnh lý sinh ra từ những nơi làm việc có chất lượng không khí kém, ở đó có nhiều nhân viên thường mắc phải các triệu chứng về hô hấp, thần kinh và ngoài da, chẳng hạn như chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt xì, ngứa mắt, đau họng, ho, khó thở, khô da, ngứa da. Các triệu chứng này nặng lên khi người làm việc tới văn phòng và thuyên giảm khi ra khỏi văn phòng.

Mặc dù có thể trong cùng một văn phòng, các triệu chứng này xuất hiện thay đổi khác nhau tùy từng người và vào những khoảng thời gian khác nhau.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nữ bị nhiều hơn nam, do thời gian ở trong văn phòng của nữ nhiều hơn và hệ miễn dịch của nữ nhạy cảm hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế việc chẩn đoán hội chứng bệnh văn phòng vẫn còn nhiều bàn cãi do thiếu những bằng chứng sinh học khách quan liên hệ giữa triệu chứng và môi trường bên trong các văn phòng. Nhiều nghiên cứu vẫn chưa tìm ra những yếu tố đặc hiệu. Song các yếu tố nguyên nhân có thể là: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, tiếng ồn, màn hình máy tính, mật độ nhân viên trong văn phòng, áp lực công việc và sự bất mãn hoặc căng thẳng trong công việc.

Tạo ra môi trường khỏe mạnh để phòng bệnh

Để phòng bệnh cảm cho bản thân cũng như đồng nghiệp, ngoài cách phòng ngừa chung là tập thể thao, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi điều độ, người làm việc văn phòng khi bị cảm tốt nhất là nên xin nghỉ ngơi làm việc tại nhà, hoặc nếu bắt buộc phải đi làm thì nên mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trò chuyện, hội họp và đặc biệt chú ý thường xuyên rửa tay trước khi tiếp xúc các máy móc dùng chung như máy photocopy, máy lọc nước, tay nắm cửa, nút ấn thang máy, tay vịn cầu thang.

Muốn cải thiện chất lượng môi trường văn phòng, bên cạnh các nguyên tắc chung như thường xuyên quét dọn, hút bụi, khử mùi, lọc không khí, thay các bóng đèn đủ sáng, cần xem xét các yếu tố khác liên quan đến toàn bộ kiến trúc của nơi làm việc như: chống ẩm và nấm mốc cho tường, thảm lót sàn và trần nhà; đảm bảo hệ thống không khí hoạt động tốt và được bảo trì đúng thời hạn; thường xuyên làm vệ sinh các hệ thống điều hòa và đặt máy điều hòa ở những vị trí thích hợp để đảm bảo dòng không khí lưu thông đều khắp trong phòng.

Hằng ngày, khi làm việc nên sắp xếp công việc hợp lý, tránh căng thẳng do quá tải. Nếu phải tập trung làm việc lâu trước máy tính nên để chế độ tắt màn hình từ 5-10 phút sau mỗi hai giờ. Đi ra ngoài hít thở không khí tự nhiên và đi bộ trong giờ giải lao hoặc trước giờ ăn trưa. Khi làm việc cần ngồi đúng tư thế và sau mỗi hai giờ nên đứng lên tập nhẹ vài động tác giúp tuần hoàn máu trong cơ thể lưu thông tốt hơn. Nên để vài cây kiểng trong góc phòng hoặc trên bàn làm việc để hút bớt khí độc và cung cấp thêm ôxy.

Bệnh từ các vật dụng quen thuộc

Người làm văn phòng dễ bị mầm bệnh tấn công từ hệ thống thông khí không bảo trì đúng thời gian, không hút bụi bặm; vật dụng có chất hữu cơ bay hơi như đồ đạc nội thất, mực từ máy photocopy, máy in, thảm lót sàn; các chất khí sinh ra từ các chất liệu xây dựng văn phòng hoặc các máy chống ẩm, máy khử mùi, các hóa chất dùng để vệ sinh tẩy rửa, xịt côn trùng.

Khi tiếp xúc lâu dài với các tác nhân này ở một nồng độ nhất định, hội chứng bệnh văn phòng sẽ dần dần xuất hiện.

Đầu tiên là niêm mạc mũi họng bị kích thích như ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt xì, khô họng, ngứa họng, ngứa mắt, sau đó là phổi bị kích thích gây nên ho, khó thở. Với những người có cơ địa dị ứng, bệnh dị ứng sẽ rất dễ bùng phát như viêm mũi dị ứng, chàm hoặc suyễn.

Lâu dần các tác nhân này sẽ tác động lên hệ thần kinh gây nên các triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, kém tập trung, chán nản, lo âu, trầm cảm, năng suất làm việc trở nên kém hiệu quả.

Ths.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Phẫu thuật cuống mũi có gây vô sinh?

 

TTO - Tôi bị chứng nghẹt mũi rất lâu rồi. Mỗi lần nghẹt mũi tôi lại dùng thuốc co mạch cảm thấy rất thoải mái, nhưng tôi nghe nói dùng nhiều không tốt. Tôi đi khám lần thứ nhất bác sĩ bảo viêm mũi dị ứng rất khó chữa, bác sĩ kê một vài loại thuốc uống và xịt, tôi uống và xịt như chỉ dẫn và cảm thấy dễ chịu thật, nhưng khi thuốc uống và xịt đã hết thì bệnh lại trở lại như cũ, mũi lại nghẹt. Tôi đi một bệnh viện khác, bác sĩ bảo rằng tôi bị cuống mũi giữa to ra, không sao. Kết quả uống thuốc vẫn không như mong đợi. Tôi lại đến một nữ bác sĩ khác, bác sĩ bảo: "Tôi cho cậu một trong hai lựa chọn: một là chịu khó chịu đựng rửa mũi thường xuyên, hai là phẫu thuật cắt bỏ cuống mũi chấp nhận vô sinh". Tôi rất hoang mang, chẳng biết làm sao nữa, đành phải chịu đựng căn bệnh hết sức khó chịu này. Tôi muốn biết thật sự cắt bỏ cuống mũi có gây ảnh hưởng gì tới sinh sản không? (vovinh)

Tư vấn của bác sĩ

Bạn nên chụp thêm một phim CT scan mũi xoang để đánh giá chính xác bạn có thật sự có phì đại cuống mũi giữa hay không. Nếu kết hợp khám lâm sàng, nội soi và CT scan mũi xoang kết luận bạn có phì đại cuống mũi và sự phì đại này là một trong những nguyên nhân gây nghẹt mũi của bạn thì việc điều trị bằng phẫu thuật hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, không phải trường hợp phì đại cuống mũi nào cũng cần điều trị phẫu thuật, thông thường người thầy thuốc cân nhắc để quyết định lựa chọn phương thức điều trị dựa trên mức độ tác động của triệu chứng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong những trường hợp nghẹt nhẹ, bệnh nhân có thể rửa mũi tích cực bằng nước muối sinh lý và dùng các loại thuốc kháng viêm xịt mũi bệnh sẽ khỏi một cách ngoạn mục.

Trong những trường hợp có những bất thường giải phẫu nghiêm trọng, thời gian nghẹt diễn tiến lâu, điều trị nội khoa tích cực từ một đến ba tháng không cải thiện thì tiến hành phẫu thuật là hoàn toàn hợp lý.

Hiện nay phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn phần cuống mũi giữa được thực hiện khá phổ biến trong phẫu thuật nội soi mũi xoang khi có những chỉ định cần thiết.

Nhưng chúng tôi chưa thấy có một mối liên quan nào, một khuyến cáo nào hoặc một công trình khoa học nào xác nhận cắt cuống giữa sẽ bị vô sinh hay có một tác động nào đến khả năng sinh sản.

Trường hợp cụ thể của bạn nếu bác sĩ điều trị của bạn thấy phẫu thuật là phương thức điều trị phù hợp nhất để điều trị dứt điểm hoặc cải thiện một cách đáng kể chất lượng cuộc sống của bạn thì bạn nên phẫu thuật mà không cần lo lắng nữa.

Chúc bạn khỏe.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Những lưu ý khi ho ra máu

 

TTO - Ho ra máu có thể do các bệnh đường hô hấp dưới, nhưng cũng có thể là triệu chứng bệnh tai mũi họng.

"Cách đây một năm tôi bị ho ra máu hai lần (15cc) không có đàm, lúc đó tôi vào viện cấp cứu hai lần. BS cho nhập viện, chụp X-quang, siêu âm tim, thử máu, nội soi phế quản nhưng không phát hiện gì, thời gian gần đây tôi bị chảy máu mũi rất ít kèm với mũi sệt sệt, không bị nhức đầu nhưng đầu rất nặng và nghe ong ong hai bên lỗ tai. Tôi rất lo sợ nhưng không biết mình bị bệnh gì, mong các BS chỉ giúp" - một bạn đọc hỏi.

Tư vấn của bác sĩ

 Picture21

Ho ra máu là một triệu chứng thường có nguyên nhân từ đường hô hấp dưới, các bệnh lý thường gặp có triệu chứng ho ra máu bao gồm viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi, bất thường mạch máu và bệnh lý tim-phổi.

Tuy nhiên theo thống kê từ những nghiên cứu của Mỹ thì có từ 7-34% các trường hợp ho ra máu không tìm ra nguyên nhân.

Tình trạng ho ra máu của bạn xảy ra một năm trước, đã được làm các xét nghiệm để chẩn đoán, đặc biệt nhất là X-quang phổi và nội soi phế quản, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và từ đó đến nay không có biểu hiện gì hoặc triệu chứng tái phát, nên chúng tôi nghĩ rất có thể bạn thuộc nhóm ho ra máu không tìm được nguyên nhân.

Chúng ta có thể yên tâm tạm gác lại vấn đề này.

Vấn đề hiện nay của bạn là chảy máu mũi, kèm đàm mũi, nặng đầu và ù tai. Đây hoàn toàn là triệu chứng của tai mũi họng, rất có thể bạn chỉ bị viêm mũi xoang cấp thông thường, nhưng rất hiếm hơn cũng có thể đây là triệu chứng của bệnh lý ung thư vòm mũi họng.

Để chẩn đoán chính xác tình trạng này, tốt nhất là bạn nên đi khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám tỉ mỉ bằng nội soi và chụp thêm phim CT scan vùng tai mũi họng nếu cần.

Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng, vì bệnh lý viêm mũi xoang rất thường gặp và chữa lành bệnh chỉ trong vòng 2-4 tuần, trong khi đó bệnh lý ung thư vòm mũi họng là bệnh lý rất hiếm xảy ra, tần suất của bệnh chỉ khoảng 1/100.000 và bệnh ung thư này cũng có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu ở giai đoạn sớm.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(khoa tai mũi họng Bệnh viện FV TP.HCM)