Mắc xương cá hay sỏi amiđan?

Mắc xương cá hay sỏi amiđan?

 

Câu hỏi: Cách đây vài năm em bị mắc xương cá nhưng không tài nào lấy ra được, rồi một thời gian sau tự khỏi. Lâu lâu em lại bị đau họng, mỗi khi nuốt nước bọt đau một bên rất khó chịu, uống thuốc không khỏi, nhưng khoảng một tuần sau thì tự hết, và khi lấy tay móc họng thì cảm nhận được miếng xương cá vẫn còn. Em phải làm sao? Nếu như đi khám thì em phải đến bệnh viện nào và chuyên khoa gì để được khám và tư vấn.

Tư vấn của bác sĩ:

Hóc xương cá thông thường có hai tình huống: Một là hóc xương có kích thước lớn chắc chắn bệnh nhân không chịu nổi do nuốt vướng, đau và khó chịu phải đi bệnh viện để lấy ra, nếu không sẽ nhiễm trùng gây ápxe rất nguy hiểm.

Hai là hóc xương có kích thước bé, xương sẽ bị rớt ra hoặc sẽ bị tiêu hủy bởi các men của đường tiêu hóa. Và hiếm có trường hợp nào bị hóc xương cá tồn tại vài năm như bạn cảm nghĩ.

Theo những gì bạn mô tả, chúng tôi đoán có thể bạn bị sỏi amiđan, là những tinh thể bao gồm vi khuẩn, thức ăn, chất tiết của amiđan, các tinh thể này có thể rất mềm, nhưng cũng có thể cứng chắc, nằm trong các ngách của amiđan, làm cho người bệnh có cảm giác như hóc xương nhưng không phải.

Thời gian bệnh có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần rồi tự nhiên hết khi hạt sỏi này được khạc ra hoặc rớt xuống họng. Bệnh lý này được điều trị bằng cách cắt amiđan. Trước mắt bạn có thể tạm thời giải quyết tình trạng này bằng cách thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày, sau mỗi bữa ăn, sáng sau khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ.

Bạn nên đến khám tại khoa tai mũi họng để được kiểm tra kỹ hơn và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Chúc bạn sớm chữa được bệnh.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(Khoa tai mũi họng Bệnh viện FV TP.HCM)