Tai mũi họng trẻ em

Tai mũi họng trẻ em

Chăm sóc trẻ khi cắt amiđan

 

Khi nào trẻ nên cắt amiđan, phương pháp nào cho trẻ khi cắt amiđan an toàn và ít chảy máu hơn là điều nhiều phụ huynh quan tâm. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trương Khương, hiện đang công tác tại Khoa TMH - Bệnh viện FV (BS. Khương đã từng có thời gian làm việc 5 năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1)  sẽ tư vấn để các bậc cha mẹ hiểu hơn về vấn đề này

* Trẻ có thể cắt amiđan ở độ tuổi nào?

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương: Cắt amiđan hoàn toàn không phụ thuộc vào tuổi. Trên thế giới đã có trường hợp cắt amiđan nhỏ tuổi nhất là 06 tháng và trường hợp lớn tuổi nhất là 65 tuổi. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân cắt amiđan theo những chỉ định đã được nghiên cứu trên toàn thế giới nhằm đem lại cho bệnh nhân sức khoẻ tốt hơn.

Các chỉ định cắt amiđan ở trẻ em bao gồm:

1. Nên cắt amiđan do vấn đề tắc nghẽn: có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ: bé ngủ ngáy, có cơn ngưng thở, giật mình, quấy khóc, đái dầm…

2. Nên cắt amiđan do vấn đề nhiễm trùng: bé bị viêm amiđan tái phát nhiều lần trong năm làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khoẻ và tài chính.

3. Nên cắt amiđan do biến chứng của hai vấn đề trên như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim do vi trùng ở amiđan, viêm thận, viêm khớp do vi trùng ở amiđan. Bé chậm lớn do có viêm amiđan nhiều lần, kém ăn, hay bị ói do amiđan to dễ kích thích.

4. Ngoài ra còn có những chỉ định cắt amiđan tuyệt đối như trong trường hợp nghi ngờ bị ung thư, hoặc những chỉ định rất nhỏ như hôi miệng do amiđan có nhiều ngách hay đọng lại thức ăn, sỏi amiđan, nấm amiđan…

*  Cắt amiđan có làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ không ?

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương: Cho tới nay, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng tuy amiđan có vai trò miễn dịch tiết ra các globuline miễn dịch để phòng chống một số bệnh thâm nhập vào đường hầu họng, nhưng theo thống kê theo dõi ở các trẻ đã cắt amiđan thi lượng globuline này có sự thay đổi không đáng kể. Có nghĩa là cắt amiđan không hề ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ.

* Nếu trẻ cắt amiđan thì chọn phương pháp nào tốt nhất ?

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương: Hiện nay, có bốn phương pháp cắt amiđan phổ biến sau:

  1. Cắt amiđan bằng phương pháp cổ điển: dùng dao, kéo và thòng lọng. phương pháp này có nhược điểm là bệnh nhân mất nhiều máu.
  2. Cắt amiđan bằng dao điện đơn cực hoặc lưỡng cực: phương pháp này có ưu điểm là không chảy máu nhưng gây bỏng và tổn thương mô xung quanh nhiều ( nhiệt độ khoảng 400 độ C  ).
  3. Cắt amiđan bằng dao siêu âm Harmonic scalpel: phương pháp này có ưu điểm là ít gây bỏng hơn ( nhiệt độ khoảng 70 độ C )

 

  1. Cắt amiđan bằng Coblator: phương pháp này ít gây bỏng nhất ( nhiệt độ khoảng 70 độ C ) nhưng rất ít tổn thương mô xung quanh.

Như vậy phương pháp cắt amiđan bằng Coblator có thể xem là phương pháp cắt amiđan có nhiều ưu điểm nhất hiện nay. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã trang bị máy Coblator để phục vụ cho các bệnh nhi cắt amiđan hơn 1 năm nay. Tất cả các bác sĩ trong khoa đều được trải qua huấn luyện với các chuyên gia nước ngoài.

* Sau khi cắt amiđan thì chăm sóc trẻ như thế nào ?

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương: Ưu điểm của các phương pháp hiện đại là sau khi cắt amiđan trẻ có thể nói chuyện được ngay. Tuy nhiên cần có chế độ ăn uống đặc biệt: cữ các thức thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Ăn các thức ăn: lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1

Nên cắt thắng lưỡi cho trẻ khi nào?

 

Thắng lưỡi là một màng niêm mạc hình tam giác dính từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi. Chức năng chính xác của thắng lưỡi hiện nay chưa được biết rõ. 

 Picture1

Dính thắng lưỡi

Tại sao phải cắt thắng lưỡi ?

Dính thắng lưỡi hay còn gọi là thắng lưỡi ngắn, tức là màng niêm mạc này ngắn hoặc dính vào sát đầu lưỡi làm cho lưỡi di động kém. Đây là một bất thường bẩm sinh. Bệnh thường đưa đến các hậu quả là trẻ nhỏ khó bú, chậm tăng cân, làm đau núm vú hoặc viêm núm vú của mẹ. Khi lớn hơn sẽ làm trẻ phát âm không rõ một số âm tiết.

Dính thắng lưỡi được phân độ và phân loại ra sao? 

Có hai loại dính thắng lưỡi: một là dính phía trước của lưỡi, chỉ dính phần màng mỏng gần đầu lưỡi. Loại này thường gặp nhất chiếm khoảng 95%. Hai và dính phía sau của lưỡi, dính sàn miệng vào phía sau mặt dưới của lưỡi, không dính ở đầu lưỡi, lớp màng rất dày, loại này rất ít gặp chỉ chiếm khoảng 5%.

Cả hai loại đều được chia ra thành ba mức độ: thứ nhất là bình thường: đầu lưỡi có thể chạm vào vòm khẩu cái cứng, lưỡi hoạt động bình thường, đưa ra trước và hai bên dễ dàng; Thứ nhì là dính mức độ trung bình: đầu lưỡi không thể chạm vòm khẩu cái cứng, có sự hạn chế chuyển động của lưỡi; Thứ ba là dính mức độ nặng: đầu lưỡi hầu như dính vào sàn miệng, di chuyển rất kém, không thể đưa đầu lưỡi lên trên, ra ngoài và sang hai bên.

Thời điểm cắt thắng lưỡi phù hợp?

Thông thường sau sanh, bác sĩ nhi khoa sẽ tiến hành kiểm tra, nếu có dính thắng lưỡi hoặc nghi ngờ có dính thắng lưỡi, bé sẽ được chuyển đến khoa tai mũi họng để các bác sĩ tai mũi họng khám và đưa ra chẩn đoán sau cùng. Nếu có dính thắng lưỡi phần màng thì nên cắt ngay lập tức. Thủ thuật thì lại rất đơn giản, chỉ cần dùng kéo cắt ngay phần màng, không cần thuốc tê, hầu như không chảy máu, rất ít đau, bé bú lại ngay sau khi cắt từ 10 đến 15 phút không làm tổn thương đến tâm lý trẻ về sau, làm gia đình an tâm không phải lo lắng theo dõi. Không nên trì hoãn vì càng lớn mạch máu và thần kinh đến nuôi thắng lưỡi sẽ nhiều hơn do vậy sẽ đau hơn, chảy máu nhiều hơn. Đối với các trường hợp dính thắng lưỡi phía sau thì phải đợi trẻ lớn đến hai tuổi mới có thể tiến hành phẫu thuật tạo hình lưỡi dưới gây mê.

Khi nào thì không nên cắt thắng lưỡi ?

 Picture2

Dính thắng lưỡi

Thủ thuật cắt dính thắng lưỡi tuy đơn giản nhưng không nên thực hiện trong tình huống bé có rối loạn đông máu hoặc có nhiễm trùng răng miệng,

Dính thắng lưỡi có phải là nguyên nhân của chậm nói?

Dính thắng lưỡi chỉ làm nói ngọng một số âm cần phải dùng đến đầu lưỡi như âm: t, d, l, n, th.

Khi bé bị chậm nói, có thể do nghe kém do viêm tai giữa tiết dịch hoặc do bất thường não bộ do viêm não, bại não, sanh non; hoặc do rối loạn phát triển như bệnh tự kỷ; hoặc do di truyền.

Do vậy khi bé bị chậm nói nên đưa bé đến khám tai mũi họng, chuyên khoa thần kinh, chuyên khoa tâm lý hơn là tập trung vào vấn đề dính thắng lưỡi.

 

Th.s, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (BV FV)

Viêm tuyến mang tai tái phát ở thiếu niên

IDC0510 WYD_fig5_180_240_64057

Tôi có cháu năm nay được 10 tuổi. Từ hôm 6-9-2012 đến nay cháu bị sưng tuyến mang tai lần thứ 5 rồi, cứ sưng lên và khỏi nhưng chỉ ít ngày sau sưng lại. Tôi đã đưa cháu đi khám ở nhiều nơi nhưng chưa khỏi hẳn, đã siêu âm và cả xét nghiệm máu nữa nhưng bác sĩ (BS) chỉ nói bị viêm thôi.
Lần đầu cháu bị sưng thì uống Amoxilin và kháng viêm cũng chỉ khỏi được 5-7 ngày thì sưng lại. Lần hai tôi cho cháu đến bác sĩ tai mũi họng, cũng uống kháng sinh và cả kháng viêm 8 ngày nhưng đến ngày thứ 7 cháu đã đau lại.

Lần này tôi cho cháu đến khoa răng hàm mặt, ở đó BS  nói rằng đây là một bệnh khó chữa và không nên dùng kháng sinh nữa, cứ để đó và quên đi cho nó tự khỏi.

BS có cho cháu siêu âm và xét nghiệm máu, nói rằng cho đến thời điểm này cháu biểu hiện lành tính không u, chỉ viêm. BS khuyên hè có thời gian sẽ cho cháu nhập viện và làm những xét nghiệm cần thiết. Từ hôm ở bệnh viện về cháu lại bị tiếp rồi và đã uống viên Zinnat và kháng viêm 5 ngày, cháu khỏi rất nhanh. Nhưng chỉ 20 ngày sau là hôm nay cháu lại sưng lên và lại đau, tôi cho cháu uống 1 gói paracetamon thì cháu đỡ đau.

Tôi lo lắng quá xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. Tất cả cháu đã siêu âm 3 lần rồi bác sĩ nói chỉ biểu hiện viêm thôi không sỏi, không u. (Lý)

-  Trả lời của ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG:

Chào anh Lý, chúng tôi xin chia sẻ với anh nỗi lo khi có con bị bệnh, đặc biệt là một bệnh khó điều trị.

Con của anh năm nay 10 tuổi, bị sưng tuyến mang tai tái phát nhiều lần, siêu âm nhiều lần không thấy sỏi, không thấy dịch mủ, đáp ứng tốt với kháng sinh kháng viêm nhưng sau đó tái phát khi ngưng thuốc.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là một bức tranh khá điển hình của bệnh viêm tuyến mang tai có tên khoa học đầy đủ là: Viêm tuyến mang tai tái phát ở tuổi thiếu niên.

Bệnh lý này được đặc trưng tái phát nhiều lần, có thể gặp ở độ tuổi từ 3 tháng đến 16 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi 7-10 tuổi, bệnh thường gặp ở nam hơn nữ.

Khi siêu âm sẽ không có hiện tượng mưng mủ hoặc có sỏi. Nếu không điều trị gì bệnh cũng có thể tự khỏi, nhưng rồi tái phát. Sau tuổi dậy thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không tái phát nữa.

Nguyên nhân của bệnh hiện nay vẫn chưa rõ ràng, mặc dù có nhiều yếu tố được được xem xét đến như miễn dịch, dị ứng, nhiễm trùng và di truyền. Nghiên cứu mô bệnh học cho thấy có nhiều tế bào lymphô, có khuynh hướng tạo thành nhiều ổ tế bào lymphô, với ống tuyến bị dãn.

Khi khám sẽ thấy lỗ đổ của tuyến mang tai mặt trong của má dãn rộng, có thể có đóng vảy vàng hoặc nước bọt chảy ra, tuyến mang tai sờ bên ngoài có mật độ chắc. Khi nội soi sẽ thấy ống tuyến chính sẽ có những đoạn dãn và hẹp, bên trong lòng các ống tuyến màu trắng, không có các mạch máu xung quanh.

Cách điều trị của bệnh hiện nay là kháng sinh, kháng viêm toàn thân, nếu có đầy đủ phương tiện có thể nội soi ống tuyến mang tai để nong, bơm rửa và bơm kháng viêm vào trong mô tuyến để làm giảm số lần tái phát. Hoặc không điều trị gì hết chỉ theo dõi nếu không có triệu chứng đau nhức.

Trường hợp con của anh chúng tôi nghĩ nên đưa cháu đến Viện Răng hàm mặt trung ương với hi vọng sẽ gặp được bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh lý này và được điều trị với máy móc hiện đại hơn như máy nội soi tuyến mang tai nếu có.

Mong anh không nên quá lo lắng và sớm tìm ra cách chữa bệnh phù hợp cho cháu.

Chúc sức khỏe.

 

Khàn tiếng không phải bệnh lý di truyền

Con tôi được 41 tháng, lúc cháu biết nói tiếng một thì tiếng của cháu còn trong, khi nói câu dài tiếng hơi khàn khàn, càng ngày cảm thấy càng khàn hơn. Vậy cháu mắc bệnh gì hay khàn tiếng bẩm sinh? Ông nội của cháu tiếng nói cũng rất khàn, khàn tiếng có di truyền không?

Nguyễn Thị Dung

hemorrhagic vocalcord_polyp

Nguyên nhân thường gặp gây khàn tiếng ở trẻ em bao gồm viêm mũi, viêm VA, trào ngược thanh quản, sử dụng thanh quản quá mức (khóc, la) và một số bệnh lý như u nhú thanh quản, hạt, polyp hoặc nang dây thanh âm.

Khàn tiếng không phải là bệnh lý di truyền.

Khi viêm mũi, viêm VA tái phát nhiều lần, dịch viêm từ mũi và VA sẽ chảy xuống thanh quản làm viêm thanh quản gây khàn tiếng. Khàn tiếng sẽ bớt nếu điều trị viêm mũi và viêm VA đúng cách.

Khàn tiếng ở những bệnh nhân do trào ngược thanh quản thường đi kèm với các triệu chứng như thường hay ợ, buồn nôn hoặc nôn sau ăn, ho vào buổi tối hoặc khi nằm. Khi axit ở dạ dày trào ngược lên thanh quản sẽ làm hai dây thanh phù nề lâu ngày có thể diễn tiến thành hạt dây thanh gây khàn tiếng ngày một tăng dần.

Khàn tiếng ở những bệnh nhi sử dụng thanh quản quá mức như khóc la, nói nhiều thường biểu hiện có những đợt khàn tiếng, đặc biệt sau những đợt vui đùa quá mức, sau đó sẽ dần dần đỡ nếu giảm nói nhiều, khóc nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp diễn tiến thành hạt dây thanh hoặc nang dây thanh gây khàn tiếng kéo dài ngày một nhiều.

U nhú thanh quản là bệnh lý rất hiếm xảy ra, khoảng 4,5/100.000 người. Bệnh do nhiễm virút HPV (human papilloma virus) type 6 và type 11. Bệnh có những u nhú nhỏ mọc ở hai dây thanh, thanh quản và lan dần đến dưới thanh quản hoặc bên trên của thanh quản. Triệu chứng của bệnh xảy ra rất sớm, thường bé có biểu hiện khóc yếu, nuốt khó, thở có tiếng và ho, dần dần trẻ sẽ có tiếng rít khi thở rất rõ và khàn tiếng tăng dần cho đến khi khó thở nếu không phẫu thuật.

Để chẩn đoán chính xác bệnh lý thanh quản, cách tốt nhất là thực hiện nội soi thanh quản. Ở những trẻ lớn hợp tác tốt có thể tiến hành nội soi ống mềm với gây tê tại chỗ. Đối với trẻ nhỏ nên thực hiện nội soi thanh quản dưới gây mê toàn thân.

Khi có chẩn đoán chính xác, việc điều trị sẽ cụ thể và hiệu quả.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG