Tai mũi họng trẻ em

Tai mũi họng trẻ em

Viêm tuyến mang tai tái phát ở thiếu niên

 

TTO - Tôi có cháu năm nay được 10 tuổi. Từ hôm 6-9-2012 đến nay cháu bị sưng tuyến mang tai lần thứ 5 rồi, cứ sưng lên và khỏi nhưng chỉ ít ngày sau sưng lại. Tôi đã đưa cháu đi khám ở nhiều nơi nhưng chưa khỏi hẳn, đã siêu âm và cả xét nghiệm máu nữa nhưng bác sĩ (BS) chỉ nói bị viêm thôi. Lần đầu cháu bị sưng thì uống Amoxilin và kháng viêm cũng chỉ khỏi được 5-7 ngày thì sưng lại. Lần hai tôi cho cháu đến bác sĩ tai mũi họng, cũng uống kháng sinh và cả kháng viêm 8 ngày nhưng đến ngày thứ 7 cháu đã đau lại. Lần này tôi cho cháu đến khoa răng hàm mặt, ở đó BS nói rằng đây là một bệnh khó chữa và không nên dùng kháng sinh nữa, cứ để đó và quên đi cho nó tự khỏi. BS có cho cháu siêu âm và xét nghiệm máu, nói rằng cho đến thời điểm này cháu biểu hiện lành tính không u, chỉ viêm. BS khuyên hè có thời gian sẽ cho cháu nhập viện và làm những xét nghiệm cần thiết. Từ hôm ở bệnh viện về cháu lại bị tiếp rồi và đã uống viên Zinnat và kháng viêm 5 ngày, cháu khỏi rất nhanh. Nhưng chỉ 20 ngày sau là hôm nay cháu lại sưng lên và lại đau, tôi cho cháu uống 1 gói paracetamon thì cháu đỡ đau. Tôi lo lắng quá xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. Tất cả cháu đã siêu âm 3 lần rồi bác sĩ nói chỉ biểu hiện viêm thôi không sỏi, không u. (Lý)

Tư vấn của bác sĩ

Chào anh Lý, chúng tôi xin chia sẻ với anh nỗi lo khi có con bị bệnh, đặc biệt là một bệnh khó điều trị.

Con của anh năm nay 10 tuổi, bị sưng tuyến mang tai tái phát nhiều lần, siêu âm nhiều lần không thấy sỏi, không thấy dịch mủ, đáp ứng tốt với kháng sinh kháng viêm nhưng sau đó tái phát khi ngưng thuốc.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là một bức tranh khá điển hình của bệnh viêm tuyến mang tai có tên khoa học đầy đủ là: Viêm tuyến mang tai tái phát ở tuổi thiếu niên.

Bệnh lý này được đặc trưng tái phát nhiều lần, có thể gặp ở độ tuổi từ 3 tháng đến 16 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi 7-10 tuổi, bệnh thường gặp ở nam hơn nữ.

Khi siêu âm sẽ không có hiện tượng mưng mủ hoặc có sỏi. Nếu không điều trị gì bệnh cũng có thể tự khỏi, nhưng rồi tái phát. Sau tuổi dậy thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không tái phát nữa.

Nguyên nhân của bệnh hiện nay vẫn chưa rõ ràng, mặc dù có nhiều yếu tố được được xem xét đến như miễn dịch, dị ứng, nhiễm trùng và di truyền. Nghiên cứu mô bệnh học cho thấy có nhiều tế bào lymphô, có khuynh hướng tạo thành nhiều ổ tế bào lymphô, với ống tuyến bị dãn.

Khi khám sẽ thấy lỗ đổ của tuyến mang tai mặt trong của má dãn rộng, có thể có đóng vảy vàng hoặc nước bọt chảy ra, tuyến mang tai sờ bên ngoài có mật độ chắc. Khi nội soi sẽ thấy ống tuyến chính sẽ có những đoạn dãn và hẹp, bên trong lòng các ống tuyến màu trắng, không có các mạch máu xung quanh.

Cách điều trị của bệnh hiện nay là kháng sinh, kháng viêm toàn thân, nếu có đầy đủ phương tiện có thể nội soi ống tuyến mang tai để nong, bơm rửa và bơm kháng viêm vào trong mô tuyến để làm giảm số lần tái phát. Hoặc không điều trị gì hết chỉ theo dõi nếu không có triệu chứng đau nhức.

Trường hợp con của anh chúng tôi nghĩ nên đưa cháu đến Viện Răng hàm mặt trung ương với hi vọng sẽ gặp được bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh lý này và được điều trị với máy móc hiện đại hơn như máy nội soi tuyến mang tai nếu có.

Mong anh không nên quá lo lắng và sớm tìm ra cách chữa bệnh phù hợp cho cháu.

Chúc sức khỏe.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Khàn tiếng ở trẻ nhỏ

 

TO - Con gái tôi sinh ngày 26-9-2004, đã bị khàn giọng mấy tháng nay nhưng không khỏi, cháu nói nhiều, nếu không đi học (mẫu giáo lớn) thì giọng cháu đỡ hơn vì ít nói, nhưng cháu không thể nghỉ học nhiều. Xin các bác sĩ vui lòng tư vấn giúp tôi cách chữa bệnh khàn giọng cho cháu. (Nguyen Hung Stone) 

Trả lời của Phòng mạch online:

Hầu hết trường hợp khàn tiếng ở trẻ em đều do nói nhiều, đùa giỡn, la hét hoặc khóc. Một số ít trong các trường hợp này do thời gian kéo dài quá lâu (thường hơn sáu tháng) sẽ có hạt ở hai dây thanh, việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ hai hạt xơ chai ở một phần ba trước của dây thanh dưới nội soi.

Những trường hợp khác còn lại dây thanh chỉ mới phù nề chưa tạo hạt thì cần được chẩn đoán chính xác bằng cách tìm hoặc loại trừ các bệnh lý khác cũng là nguyên nhân của khan tiếng như viêm VA, viêm mũi xoang và trào ngược dịch vị. Việc điều trị chính yếu là điều trị nội khoa bao gồm giáo dục cháu tránh nói to, nói nhiều, la hét và điều trị tích cực các bệnh lý nguyên nhân khác nếu có như nạo VA, điều trị viêm mũi xoang và trào ngược.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Trẻ khàn tiếng do viêm thanh quản

 

TTO - Tôi có con trai 4 tuổi bị khàn tiếng nhẹ. Qua thông tin trên mạng tôi muốn nhờ BS chẩn đoán giúp bệnh cho con chúng tôi và có lời chỉ dẫn. Từ nhỏ khi ăn cháu hay bị trớ, tôi cho cháu đi khám BS kết luận cháu bị trào ngược thực quản, tôi đã điều trị theo hướng dẫn của BS. Nhưng nay 4 tuổi rồi thỉnh thoảng cháu ho hoặc sặc là lại bị trớ và nôn ra đờm, nhiều khi nô đùa hét to cũng bị. Khoảng ba tuần nay cháu bị khàn tiếng nhẹ, không khó thở, mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Mẹ cháu cho uống thuốc sirô ho nhưng không thấy khỏi. Rất mong được sự giúp đỡ của bác sĩ. (Nguyễn Đức Thụ)

- Trả lời của Th.S, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - Phòng mạch online:

Với các triệu chứng như anh mô tả, con trai của anh hiếu động hay bị ho, sặc, nôn và ói thì khàn tiếng gần như là một kết quả đương nhiên. Ở trẻ em khi có trào ngược thì rất dễ bị viêm thanh quản, do dịch vị sẽ tràn lên thanh quản làm viêm phù nề hai dây thanh âm. Thêm vào đó thường các bé trai rất hiếu động hay la hét, nói nhiều nên tình trạng khàn tiếng do viêm thanh quản này sẽ dai dẳng và lâu hồi phục hoàn toàn.

Nếu cháu chỉ bị khàn tiếng nhẹ thì chỉ cần điều trị trào ngược bằng cách không cho cháu ăn quá no, không ăn những thực phẩm khó tiêu chiên xào nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, ăn xong không được chạy chơi đùa ngay, không được đi nằm ngay, giờ ăn tối phải cách giấc ngủ tối trên ba tiếng, kê đầu giường cao hơn chân giường 15-30 độ.

Trong trường hợp nặng hơn, như khàn tiếng rất nhiều, hay nôn, ho, ói sau ăn nhiều thì ngoài các cách điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt nên dùng thêm thuốc như thuốc giảm tiết axit dạ dày và thuốc điều hòa nhu động dạ dày theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian điều trị có thể kéo dài 4-8 tuần.

Việc nội soi thanh quản nên thực hiện ở các bé có mức độ khàn nặng, kéo dài không giảm, càng lúc càng tăng và không thuyên giảm khi điều trị nội tích cực. Nội soi thanh quản sẽ giúp chẩn đoán và loại trừ các trường hợp bệnh lý cần phẫu thuật như hạt dây thanh âm, nang dây thanh âm, u nhú thanh quản hoặc các bất thường thanh quản khác nếu có.

Th.S BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Khi nào cần nạo VA cho trẻ?

 

TT - Con trẻ bị nghẹt mũi, chảy mũi kéo dài, tháng nào ba mẹ cũng nghỉ phép đưa con đi khám bệnh, uống kháng sinh. Khi trẻ ngủ thì khò khè, ngáy to như người lớn, đôi khi ngưng thở, giật mình.

About JW Player 6.10.4906 (Premium edition)

00:00 

 

        

 Picture12

Khói thuốc cũng là nguyên nhân làm trẻ có thể viêm VA

- Ảnh: Quang Định

Nhưng lúc đưa con đi khám bệnh, bác sĩ khuyên nên nạo VA thì ba mẹ ngập ngừng lo lắng do sợ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và sự an toàn của con.

VA là gì?

VA là tên viết tắt từ tiếng Pháp vegetations adenoids của mô lymphô nằm ở vòm mũi họng. VA có chức năng miễn dịch như nhận diện, bắt giữ và sản xuất kháng thể chống lại vi khuẩn xâm nhập đường hô hấp trên, đặc biệt trong lứa tuổi 6 tháng đến 4 tuổi khi trẻ đã sử dụng hết kháng thể của mẹ truyền cho từ thai kỳ và bắt đầu sống bằng hệ miễn dịch non yếu của chính mình.

Nạo VA có làm suy giảm miễn dịch của trẻ không?

Nạo VA không ảnh hưởng chức năng miễn dịch để bảo vệ cơ thể trẻ vì VA chỉ là một trong những cơ quan lymphô ở đường hô hấp trên. Ngoài VA trẻ còn có amiđan khẩu cái, amiđan đáy lưỡi và amiđan trên lỗ vòi nhĩ và các cơ chế bảo vệ khác của hệ thống lymphô nằm dưới niêm mạc đường hô hấp trên.

Triệu chứng của viêm VA?

Tùy sự nhạy cảm của hệ miễn dịch của trẻ, VA có thể bị viêm và có các triệu chứng sau:

- VA phình to quá mức (phì đại) khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, thở khò khè, ngủ ngáy hoặc nặng hơn là có những cơn ngưng thở khi ngủ mà điều trị nội khoa bằng thuốc thông mũi, hoặc xịt rửa mũi bằng nước muối hay thuốc kháng viêm xịt tại chỗ không giảm, hoặc giảm tạm thời trong một thời gian ngắn rồi bị lại.

- VA bị nhiễm trùng và có biến chứng sẽ làm chảy mũi kéo dài, dịch mũi có thể trong hoặc vàng, xanh; sốt lặp đi lặp lại do viêm mũi hoặc viêm tai giữa.

Hoặc ho kéo dài hay tái phát nhiều lần, kèm khàn tiếng do dịch viêm VA chảy xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm thanh quản. Một số ít trẻ rối loạn tiêu hóa do vi trùng từ VA đi vào đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói hay tiêu chảy.

Mức độ phì đại của VA được chia thành bốn độ:

Độ I: VA chiếm ít hơn 33% diện tích cửa mũi sau.

Độ II: VA chiếm từ 33 - 66% diện tích cửa mũi sau.

Độ III: VA chiếm từ 66 - 90% diện tích cửa mũi sau.

Độ IV: VA gần như chiếm hết diện tích cửa mũi sau và chui vào trong hố mũi

Khi nào cần nạo VA cho trẻ?

Trong các đợt viêm cấp, trẻ cần được điều trị nội khoa bằng cách phối hợp các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, nhỏ thông mũi, hút sạch dịch mũi và rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Mỗi đợt điều trị có thể kéo dài trung bình 5 - 10 ngày hoặc một số ít trường hợp kéo dài 3 - 4 tuần.

Phẫu thuật nạo VA thường được thực hiện trong hai tình huống:

- VA bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc mỗi đợt kéo dài cả tháng, đồng thời gây biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm thanh quản và rối loạn tiêu hóa.

- VA phì đại quá to làm trẻ nghẹt mũi kéo dài, không thuyên giảm đáng kể với điều trị nội khoa, có cơn ngưng thở khi ngủ. Trong trường hợp này nội soi sẽ thấy VA phì đại độ III, độ IV gần bít tắc hết cửa mũi sau của trẻ.

Nạo VA cho trẻ bằng phương pháp nào tốt nhất?

Trước kia để nạo VA, người ta dùng thìa nạo kim loại gây chảy máu nhiều, dễ tổn thương các cấu trúc lân cận và không nạo được phần VA phì đại lan rộng vào cửa mũi sau.

Ngày nay người ta nạo VA bằng các loại máy cắt hút (microdebrider) hoặc vừa cắt hút vừa đốt trong môi trường nước muối sinh lý (coblation).

Trong đó phương pháp nạo bằng coblation dưới nội soi và gây mê có thể xem là phương pháp tối ưu do hầu như không chảy máu, không tổn thương cấu trúc xung quanh và lấy hết phần VA phì đại lan vào trong hố mũi và rất ít đau sau khi nạo.

Phòng ngừa viêm VA thế nào?

Cần giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ thật sạch, đặc biệt là tay, do lứa tuổi này tay trẻ hay chạm vào bất kỳ đồ vật nào trong tầm tay rồi đưa lên miệng, mũi làm vi trùng xâm nhập cơ thể.

Giữ cho trẻ sống trong môi trường trong lành, sạch sẽ, không khói thuốc lá, hạn chế đưa trẻ tới những chỗ công cộng đông người. Nếu có điều kiện nên gửi trẻ đi mẫu giáo khi hệ miễn dịch của trẻ tương đối mạnh mẽ, hạn chế lây bệnh giữa các trẻ với nhau.

Cho trẻ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng, tránh ăn uống quá nhiều vào ban đêm để hạn chế tình trạng trào ngược dịch vị từ dạ dày lên họng, vòm mũi họng gây viêm họng và viêm VA.

Sau cùng, nên cho trẻ uống thêm các loại vi chất tăng cường miễn dịch của đường hô hấp trên như kẽm, canxi... và đặc biệt là tiêm ngừa các chủng vi khuẩn thường gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

 

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (khoa tai mũi họng Bệnh viện FV)