Tai mũi họng trẻ em

Tai mũi họng trẻ em

Viêm tai giữa tiết dịch

ear tube

Hàng năm, tại khoa Tai Mũi Họng bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 6000 đến 7000 trẻ đến khám vì bệnh lý viêm tai giữa, trong số đó có khoảng 5% trẻ bị viêm tai giữa tiết dịch. Việc điều trị bệnh lý này không khó, đa số chỉ cần điều trị nội khoa, chỉ một số ít cần điều trị ngoại khoa. Tuy nhiên, trên thực tế, do bệnh diễn tiến âm thầm, nên không ít các trường hợp cha mẹ trẻ đưa trẻ đi khám vì phát hiện trẻ nghe kém, học hành ngày càng giảm sút. Cuộc trao đổi của chúng tôi với Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Trương Khương sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn bệnh lý này để có thái độ phòng và chữa bệnh đúng cách.
Thưa BS, tại sao trẻ mắc bệnh này và bệnh thường gặp ở lứa tuổi nào ?
BS Nguyễn Trương Khương: theo thống kê trên thế giới, trẻ em thường bị từ 6 đến 8 lần bị viêm đường hô hấp trên trong một năm. Tai giữa là khoảng không khí phía sau màng nhĩ thông thương với vòm mũi họng qua vòi nhĩ, do vậy cũng rất dễ bị viêm theo sau viêm đường hô hấp. Viêm tai giữa tiết dịch là tình trạng viêm tai giữa có xuất tiết nhiều dịch nhầy xảy ra trong giai đoạn hồi phục của tình trạng viêm tai giữa cấp tính. Bệnh thường tự hồi phục. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp dai dẳng gây giảm sức nghe của trẻ cần phải điều trị tích cực bằng thuốc, bằng phẫu thuật. Bệnh thường gặp nhiều nhất ở trẻ từ 6 tháng đế 2 tuổi, trên 6 tuổi trẻ ít bị hơn, tuy nhiên bệnh đều có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt ở trẻ có VA phì dại, viêm mũi xoang, chẻ vòm hầu.
Thưa BS, làm sao các bậc phụ huynh có thể nhận biết được trẻ mắc bệnh này ?
BS Nguyễn Trương Khương: tình huống thường gặp nhất mà các bậc phụ huynh nhận biết được là bỗng nhiên thấy trẻ thờ ơ, chậm phản xạ trong giao tiếp, đôi khi nói hình như trẻ không nghe được hoặc trẻ xem tivi vặn điều chỉnh âm thanh lớn hơn bình thường hoặc thầy cô ở trường than phiền dạo này trẻ tiếp thu chậm học tập giảm sút. Tuy nhiên các tình huống trên xảy ra thường đã là giai đoạn trễ.
Vậy thưa BS, bệnh viêm tai tiết dịch có các dấu hiệu nào để có thể phát hiện sớm bệnh lý này ?
BS Nguyễn Trương Khương: vì bệnh lý viêm tai giữa tiết dịch thường xuất hiện trong giai đoạn hồi phục của viêm tai giữa cấp nên triệu chứng thường chỉ phát hiện được khi bác sĩ thăm khám. Do vậy khi trẻ bị viêm tai giữa cấp hoặc viêm đường hô hấp trên tái đi tái lại và kéo dài bạn cần đưa trẻ đi khám bệnh để được các bác sĩ theo dõi chặc chẽ tránh xảy ra tình huống đáng tiết.
Thưa BS, BS có thể cho biết thêm bệnh sẽ được điều trị và theo dõi như thế nào ?
Bệnh cần được BS chuyên khoa Tai Mũi Họng khám kỹ tai của trẻ và cần thực hiện thêm một số xét nghiệm về thính học như Nhĩ lượng đồ (để đánh giá và theo dõi dịch trong hòm nhĩ và chức năng của vòi nhĩ), Thính lực đồ (để đánh giá và theo dõi thính lực của trẻ). Bệnh cần được điều trị và theo dõi từ 3 tháng đến 1 năm tùy trường hợp. Trong những trường hợp dịch tiết trong tai giữa còn dai dẳng và làm ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ bệnh sẽ được phẫu thuật bằng cách đặt 1 ống thông vào hòm nhĩ xuyên qua màng nhĩ để tạo sự cân bằng áp lực giữa hòm nhĩ và môi trường giúp dịch tiết trong hòm nhĩ sẽ được dẫn lưu khỏi hòm nhĩ. Ngoài ra bệnh còn được điều trị các bệnh lý phối hợp như VA, viêm mũi xoang, vá vòm.
Thưa BS, các bậc phụ huynh có thể làm gì để phòng ngừa bệnh lý này ?
Theo nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới, để phòng bệnh các bậc phụ cần lưu ý những điều sau đây, tuỳ từng hoàn cảnh mà có sự điều chỉnh thích hợp để giảm thiểu tối đa những yếu tố nguy cơ mắc bệnh cho trẻ:
Bố mẹ và người thân trong gia đình không nên hút thuốc lá trong nhà, trong phòng ở chung với trẻ.
Nên cho trẻ bú sữa mẹ.
Không nên cho trẻ bú bình, đặc biệt bú ở tư thế nằm.
Đi nhà trẻ là một yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với trẻ đang bệnh viêm đường hô hấp. 
Xin chân thành cám ơn Bác sĩ.
Yến Hy

Chấn thương tai do bông ngoáy tai

chan thuong taiCon tôi 2 tuổi vừa chọc bông vào tai. Cháu khóc, đau đớn, tai chảy máu. Xin tư vấn giùm cháu có bị thủng màng nhĩ không và hướng theo dõi, giải quyết ra sao? (ranthuy78)

 - Chấn thương tai ở trẻ em là một tình huống rất thường gặp, hoặc do trẻ tự đưa vật sắc nhọn chọt vào tai hoặc do trẻ tự ngoáy tai bằng que bông hoặc do chính phụ huynh sơ suất trong lúc ngoáy tai cho trẻ bằng que bông. Nhưng cũng rất may mắn là trong đa số trường hợp chỉ là chấn thương ống tai ngoài, một số ít nặng hơn thì chấn thương thủng màng nhĩ. Nhưng các trường hợp thủng nhĩ này trên chín mươi phần trăm sẽ tự lành sau hai tháng theo dõi.

Trường hợp của con anh nên khám tai mũi họng và nội soi xem màng nhĩ có thủng hay không để có cách điều trị và theo dõi phù hợp. Thông thường phải giữ tai của bé thật sạch, tránh để nước vào, trong trường hợp có hoặc nghi ngờ nhiễm trùng thì phải sử dụng kháng sinh tại chỗ sau khi đã hút rửa sạch ống tai.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG

Trẻ khàn tiếng do viêm thanh quản

Tôi có con trai 4 tuổi bị khàn tiếng nhẹ. Qua thông tin trên mạng tôi muốn nhờ BS chẩn đoán giúp bệnh cho con chúng tôi và có lời chỉ dẫn.

Từ nhỏ khi ăn cháu hay bị trớ, tôi cho cháu đi khám BS kết luận cháu bị trào ngược thực quản, tôi đã điều trị theo hướng dẫn của BS. Nhưng nay 4 tuổi rồi thỉnh thoảng cháu ho hoặc sặc là lại bị trớ và nôn ra đờm, nhiều khi nô đùa hét to cũng bị.

Khoảng ba tuần nay cháu bị khàn tiếng nhẹ, không khó thở, mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Mẹ cháu cho uống thuốc sirô ho nhưng không thấy khỏi.

Rất mong được sự giúp đỡ của bác sĩ.

                                                   Nguyễn Đức Thụ


Với các triệu chứng như anh mô tả, con trai của anh hiếu động hay bị ho, sặc, nôn và ói thì khàn tiếng gần như là một kết quả đương nhiên. Ở trẻ em khi có trào ngược thì rất dễ bị viêm thanh quản, do dịch vị sẽ tràn lên thanh quản làm viêm phù nề hai dây thanh âm. Thêm vào đó thường các bé trai rất hiếu động hay la hét, nói nhiều nên tình trạng khàn tiếng do viêm thanh quản này sẽ dai dẳng và lâu hồi phục hoàn toàn.

Nếu cháu chỉ bị khàn tiếng nhẹ thì chỉ cần điều trị trào ngược bằng cách không cho cháu ăn quá no, không ăn những thực phẩm khó tiêu chiên xào nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, ăn xong không được chạy chơi đùa ngay, không được đi nằm ngay, giờ ăn tối phải cách giấc ngủ tối trên ba tiếng, kê đầu giường cao hơn chân giường 15-30 độ.

Trong trường hợp nặng hơn, như khàn tiếng rất nhiều, hay nôn, ho, ói sau ăn nhiều thì ngoài các cách điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt nên dùng thêm thuốc như thuốc giảm tiết axit dạ dày và thuốc điều hòa nhu động dạ dày theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian điều trị có thể kéo dài 4-8 tuần.

Việc nội soi thanh quản nên thực hiện ở các bé có mức độ khàn nặng, kéo dài không giảm, càng lúc càng tăng và không thuyên giảm khi điều trị nội tích cực. Nội soi thanh quản sẽ giúp chẩn đoán và loại trừ các trường hợp bệnh lý cần phẫu thuật như hạt dây thanh âm, nang dây thanh âm, u nhú thanh quản hoặc các bất thường thanh quản khác nếu có.

Th.S BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG
(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Cầm máu khi trẻ chảy máu mũi

Chảy máu mũi là một triệu chứng ít gặp, do vậy khi trẻ bị chảy máu mũi quí phụ huynh rất bối rối, không có cách xử lý phù hợp.
Một cuộc điều tra gần đây tại phòng khám tai mũi họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy 90% quí phụ huynh có con bị chảy máu mũi đều có cách xử trí không đúng.