Tai mũi họng trẻ em

Tai mũi họng trẻ em

Khàn tiếng kéo dài ở trẻ em

 

TTO - Con trai thứ hai của tôi sinh ngày 2-7-2007. Khi còn nhỏ cháu gần như không bao giờ bị khàn tiếng, chỉ một vài lần tôi cảm nhận cháu bị cảm cúm với những triệu chứng ho và hắt hơi, chảy nước mũi. Tôi cho cháu uống siro Tiffy chỉ 1-2 ngày là tiếng nói của cháu lại trở lại bình thường. Nhưng từ khi được 20 tháng đến nay, giọng cháu không còn thanh mà cứ khàn khàn như con vịt. Đặc biệt bây giờ giọng cháu khản đặc sau trận ho và bị viêm phế quản - phổi cách đây 1 tuần (bác sĩ chẩn đoán, điều trị và cháu được chỉ định tiêm 3 ngày). Hiện cháu đã hết ho nhưng tiếng vẫn rất khàn. Tôi hỏi thì bác sĩ chỉ nói cháu viêm thanh quản. Tôi lo lắm. Liệu cứ thế này cháu có bị mất tiếng luôn không? (Chu Thị Bích Hường)

Tư vấn của bác sĩ

Chào chị Hường,

Có thể tóm tắt vấn đề của con chị như sau: bé trai, 2 tuổi, khàn tiếng hơn 4 tháng, khàn tiếng rất nhiều, nói chuyện thều thào. Đã điều trị nội khoa không dứt.

Trường hợp này có thể do 2 nguyên nhân:

Thứ nhất là do hạt dây thanh, đây là bệnh lý thường gặp nhất ở trẻ em. Nguyên nhân thường do trẻ quá hiếu động, la hét nhiều, nói nhiều, khóc to. Hoặc bé có tình trạng viêm VA, viêm mũi họng, sống trong môi trường ô nhiễm nhiều bụi bặm, khói thuốc lá có nhiều dịch chảy xuống thanh quản gây ho, viêm thanh quản mạn và hình thành hạt dây thanh.

Hoặc bé bị trào ngược dạ dày thực quản, dịch trong dạ dày trào lên họng, thanh quản gây viêm. Để điều trị bệnh hiệu quả, điều cần thiết nhất là chấm dứt các yếu tố nguyên nhân như giáo dục trẻ không la hét to tiếng, điều trị trào ngược dạ dày thực quản, nạo VA, và điều trị viêm mũi họng.

Thứ hai là do u nhú thanh quản, đây là bệnh lý hiếm gặp hơn, nguyên nhân do một loại virus sinh u nhú ở người, trong thanh quản của trẻ mọc lên các u nhú lùi sùi như bông cải thường gây khàn tiếng rất nhiều, tiếng nói lào khào có âm sắc cao và đôi khi mất hẳn tiếng, khó thở. Bệnh thường tăng lên khi có nhiễm trùng đường hô hấp. Là bệnh lý lành tính nhưng điều trị rất khó khăn do bệnh tái phát bất chấp phẫu thuật.

Trường hợp của cháu hiện nay rất cần được sự thăm khám tích cực của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Chị nên đưa cháu đến khoa tai mũi họng của bệnh viện nhi, hoặc bệnh viên chuyên khoa tai mũi họng để xác định chẩn đoán và có cách điều trị đúng.

 

 ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho trẻ

 

TTO - Con chúng tôi bị điếc 2 tai từ lúc sinh ra đến giờ (9 tuổi), do vậy cũng không thể nói được. Gần đây , có nhiều bạn học cùng đã giải phẫu lắp thiết bị trợ thính điện cực ốc tai Cohclear NUCLEUS5 (CI512) , thấy có kết quả. Tuy nhiên, vì chi phí cho việc giải phẫu và lắp thiết bị này quá lớn, nên gia đình tôi rất do dự, bởi nghe đâu phải lắp cả 2 bên mới nghe được và mới có kết quả, nói được. Tôi xin hỏi:  

1/ Điều này có đúng không?

2/ Có cách nào để thử trước, nhằm chắc chắn là khi lắp xong sẽ có kết quả (vì đối với gia đình vợ chồng tôi là thiệt hại không phải nhỏ). Rất mong được tư vấn của Quý Bác sỹ , chân thành cảm ơn !

Trần Ngọc Bảo

Tư vấn của bác sĩ

Cấy ốc tai điện tử là một phẫu thuật trong đó người bệnh sẽ được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện này vào trong ốc tai, kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não khiến người bệnh có thể nghe được âm thanh.

Do vậy không có phương pháp nào có thể thử trước được. Chỉ có thể chắc chắn là đối vớI trẻ em, sau khi trẻ đã được cấy ốc tai điện tử nghe được âm thanh rồi thì phải qua quá trình luyện tập nghe nói trẻ sẽ hiểu được âm thanh.

Cấy ốc tai điện tử được thực hiện thật sự có hiệu quả với những trẻ điếc bẩm sinh, được cấy càng sớm càng tốt, hoặc trẻ em và người lớn bị điếc đột ngột trong vòng 3 năm.

Đối với những trẻ điếc bẩm sinh trên 7 tuổi hiệu quả đôi khi không cao như mong đợi. Kết quả thành công của mỗi trường hợp phụ thuộc vào việc đánH giá tỉ mỉ trước mổ, sự cẩn thận khéo léo trong lúc mổ và dày công tập luyện sau mổ.

Việc cấy ốc tai điện tử một bên cho làm cho  trẻ có rất nhiều bất tiện trong lúc nghe vì trẻ phải cố gắng xác định hướng và vị trí của âm thanh, trẻ thường bị tật nghiêng đầu một bên. Nhiều nghiên cứu cho thấy cấy ốc tai hai bên có lợi rất rõ ràng.

Hiện nay có ba hãng chuyên cung cấp ốc tai điện tử đươc FDA ( cơ quan thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) công nhận là: Advances Bionic, Med-El và Cochlear Corporation. Hãng Med-El đang có chương trình hỗ trợ cho bệnh nhân là cấy ốc tai một bên sẽ được tặng miễn phí một bên còn lại với giá 21.000 đô-la Mỹ (điện cực SONATAti100 và xử lý lời OPUS2).

Chúc anh và gia đình sớm tìm được giải pháp tốt nhất đem lại sức nghe cho cháu.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Khàn tiếng không phải bệnh lý di truyền

 

TTO - Con tôi được 41 tháng, lúc cháu biết nói tiếng một thì tiếng của cháu còn trong, khi nói câu dài tiếng hơi khàn khàn, càng ngày cảm thấy càng khàn hơn. Vậy cháu mắc bệnh gì hay khàn tiếng bẩm sinh? Ông nội của cháu tiếng nói cũng rất khàn, khàn tiếng có di truyền không? (Nguyễn Thị Dung) 

Tư vấn của bác sĩ

Nguyên nhân thường gặp gây khàn tiếng ở trẻ em bao gồm viêm mũi, viêm VA, trào ngược thanh quản, sử dụng thanh quản quá mức (khóc, la) và một số bệnh lý như u nhú thanh quản, hạt, polyp hoặc nang dây thanh âm.

Khàn tiếng không phải là bệnh lý di truyền.

Khi viêm mũi, viêm VA tái phát nhiều lần, dịch viêm từ mũi và VA sẽ chảy xuống thanh quản làm viêm thanh quản gây khàn tiếng. Khàn tiếng sẽ bớt nếu điều trị viêm mũi và viêm VA đúng cách.

Khàn tiếng ở những bệnh nhân do trào ngược thanh quản thường đi kèm với các triệu chứng như thường hay ợ, buồn nôn hoặc nôn sau ăn, ho vào buổi tối hoặc khi nằm. Khi axit ở dạ dày trào ngược lên thanh quản sẽ làm hai dây thanh phù nề lâu ngày có thể diễn tiến thành hạt dây thanh gây khàn tiếng ngày một tăng dần.

Khàn tiếng ở những bệnh nhi sử dụng thanh quản quá mức như khóc la, nói nhiều thường biểu hiện có những đợt khàn tiếng, đặc biệt sau những đợt vui đùa quá mức, sau đó sẽ dần dần đỡ nếu giảm nói nhiều, khóc nhiều. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp diễn tiến thành hạt dây thanh hoặc nang dây thanh gây khàn tiếng kéo dài ngày một nhiều.

U nhú thanh quản là bệnh lý rất hiếm xảy ra, khoảng 4,5/100.000 người. Bệnh do nhiễm virút HPV (human papilloma virus) type 6 và type 11. Bệnh có những u nhú nhỏ mọc ở hai dây thanh, thanh quản và lan dần đến dưới thanh quản hoặc bên trên của thanh quản. Triệu chứng của bệnh xảy ra rất sớm, thường bé có biểu hiện khóc yếu, nuốt khó, thở có tiếng và ho, dần dần trẻ sẽ có tiếng rít khi thở rất rõ và khàn tiếng tăng dần cho đến khi khó thở nếu không phẫu thuật.

Để chẩn đoán chính xác bệnh lý thanh quản, cách tốt nhất là thực hiện nội soi thanh quản. Ở những trẻ lớn hợp tác tốt có thể tiến hành nội soi ống mềm với gây tê tại chỗ. Đối với trẻ nhỏ nên thực hiện nội soi thanh quản dưới gây mê toàn thân.

Khi có chẩn đoán chính xác, việc điều trị sẽ cụ thể và hiệu quả.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Phòng dị vật đường thở cho bé ngày Tết.

 

TTO - Những ngày Tết là những ngày vui tràn đầy và bận bịu. Chính vì vậy các bé thường thiếu sự quan tâm chăm sóc đúng mực từ người lớn.

 

 Picture19

Hạt dưa, bánh mứt đều có thể là dị vật đường thở đối với trẻ

Những tai nạn thường gặp xảy ra ở trẻ có thể chỉ là trầy chân tay do té ngã hoặc nguy hiểm hơn là dị vật đường thở cực kỳ nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Rất nhiều các loại hạt trong mâm bánh mứt như hạt dưa, hạt dẻ, hạt hướng dương, hạt điều, hạt đậu phộng, hạt mứt mãn cầu, thêm vào đó còn có các hạt trái cây tươi như hạt dưa hấu, hạt sa pô chê, hạt vú sữa hạt mận. Tất cả các loại hạt này sẽ dễ dàng trở thành dị vật đường thở cực kỳ nguy hiểm chỉ cho bé vì những khoảng khắc lơ là của người lớn.

Các loại hạt này nên để xa tầm tay của bé, khi cho bé ăn phải cẩn thận lấy hạt ra, kiểm tra kỹ là không còn hạt và chắc chắn rằng trẻ có thể ăn dễ dàng từng miếng nhỏ để tránh nghẹn hoặc ho sặc.

Phụ huynh nên nghi ngờ bé bị dị vật đường thở nếu bé có các dấu hiệu như bé có chơi nghịch hoặc ăn các loại mứt hoặc trái cây có hạt trước đó, rồi bỗng nhiên bé có triệu chứng ho sặc, tím tái, giãy giụa, nghẹn thở thoáng qua, sau đó bé bắt đầu khó thở, khò khè và ho.

Trong tình huống này, trước khi đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất, có các bước cấp cứu phụ huynh cần lưu ý.

Nếu bé không có biểu hiện khó thở nhiều, không nên làm gì hết, bế bé ở tư thế ngồi rồi đến ngay trung tâm y tế gần nhất. Không nên móc miệng họng để lấy dị vật vì như vậy sẽ có thể đẩy dị vật sâu hơn.

Nếu bé có biểu hiện khó thở nhiều, cần làm các động tác cấp cứu sau:

Bé nhỏ hơn một tuổi, đặt bé nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng năm lần mạnh và nhanh vùng giữa hai xương bả vai. Sau đó lật ngửa bé. Nếu còn khó thở, dùng hai ngón tay ấn ngực năm lần.

Bé lớn hơn, phụ huynh đứng phía sau hoặc quì tựa gối vào lưng bé, vòng hai tay ngang thắt lưng, đặt một nắm tay vùng hõm ức, bàn tay kia đặt chồng lên rồi đột ngột ấn mạnh theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên năm lần liên tiếp.

Trong trường hợp thất bại có thể thực hiện lại thao tác này 6 -10 lần.

 

Th.s, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (BV FV TP.HCM)