Tai mũi họng tổng quát

Tai mũi họng tổng quát

Trào ngược dạ dày thực quản

 

TTO - Tôi năm nay 26 tuổi. Tôi có tiểu sử về bệnh tai - mũi - họng. Tôi từng bị viêm xoang và đã chữa khỏi. Sau đó đến năm 24 tuổi tôi bị viêm họng hạt và đã đi đốt họng. Cách đây 2 tháng tôi bị ho, cúm và sau đó biến chứng thành viêm họng. Cổ họng nóng rát, nuốt vướng. Tôi cũng đến bác sĩ tai mũi họng và được chẩn đoán là viêm họng. Tôi được bác sĩ kê đơn uống thuốc thì sau 2 tuần thấy khỏi. Sau đó 1 tuần tôi bị tái phát bệnh. Hiện tại tôi có triệu trứng sau:

- Cổ họng đau (chỉ đau một bên họng), vướng nhưng nuốt thức ăn không vướng.

- Đau tai mỗi khi cổ họng đau, nếu cổ họng đỡ thì tai cũng đỡ, có cảm giác vướng ở trong tai, không bị ù tai, nghe âm thanh rất rõ. Dưới hàm không có hạch.

- Mũi không bị chảy nước mũi, vẫn thở bằng hai mũi đều.

- Không bị đau đầu.

Trước đó mỗi khi ăn xong thức ăn lên chèn ở họng. Bác sĩ đã kê thuốc Orle và hiện tại thức ăn không lên cổ họng nữa. Tôi đã uống Orle được một tháng. Hiện tại tôi vẫn bị đau họng. Tôi rất mong bác sĩ chẩn đoán giúp. (Mai Lan)  

 Picture33

Tư vấn của bác sĩ

Sau ăn thường xuyên có cảm giác vướng ở họng, đau họng, đau lan lên tai, làm tai có cảm giác vướng khó chịu, khi hết đau họng thì tai cũng hết đau, đặc biệt khi sử dụng thuốc ức chế tiết axít của dạ dày (Orle tức omeprazole) thì bệnh có giảm đi. Đây là các triệu chứng rất điển hình của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.

Theo đó, dịch axít từ dạ dày trào ngược lên thực quản, thanh quản, họng và kể cả vòm họng gây viêm các nơi này. Khi trào ngược lên hạ họng gây viêm đau ở nơi này, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau lan lên tai hoặc khó chịu ở tai do có cùng một dây thần kinh chi phối ở họng và tai giữa, nhưng khi khám tai thì tai hoàn toàn bình thường.

Bạn rất nên đi khám nội soi tai mũi họng và nội soi dạ dày để có chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp. Khi tình trạng trào ngược chấm dứt hoàn toàn, họng và tai bạn sẽ hết đau.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Viêm họng khi nào dùng kháng sinh?

 

TTO - Viêm họng là một bệnh rất thường gặp và do nhiều nguyên nhân gây ra. Khoảng hơn hai phần ba các trường hợp viêm họng đều không cần dùng đến kháng sinh. Nhưng trên thực tế hầu hết bệnh nhân đều dùng kháng sinh do có thể tự mua ở nhà thuốc hoặc cũng có thể được kê toa không phù hợp, và cũng không ít bệnh nhân đi khám bệnh vì muốn được uống kháng sinh.

 Picture30

 

Thông thường, trên thực tế nguyên nhân của viêm họng thường được chia làm ba nhóm:

Thứ nhất là nhóm nguyên nhân do những yếu tố kích thích, không do nhiễm trùng: như thuốc lá, trào ngược dịch vị từ dạ dày, chảy mũi sau, hoặc do dị ứng với khói bụi, không khí ẩm, vật nuôi, vải sợi.

Viêm họng do nhóm nguyên nhân này thường hay lặp đi lặp lại và thường có bệnh sử ợ hơi ợ chua, viêm dạ dày, hút thuốc lá, làm việc trong môi trường ô nhiễm, hay nuôi thú, tiếp xúc với hóa chất rất rõ.

Bệnh cũng có thể diễn tiến âm ỉ kéo dài và thường đi đôi với bệnh lý của đường hô hấp như viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, viêm thanh quản mạn. Cách điều trị lý tưởng là điều trị loại bỏ các yếu tố nguyên nhân: điều trị trào ngược, điều trị viêm mũi xoang, làm vệ sinh môi trường sống thật tốt và có chế độ ăn uống phù hợp: tránh các thực phẩm dị ứng, quá nóng, quá lạnh hoặc nhiều chất gia vị.

Thứ hai là nhóm nguyên nhân do nhiễm siêu vi trùng (virus), nhóm nguyên nhân này chiếm khoảng 80-90% các trường hợp viêm họng ở người lớn và khoảng 70-80% các trường hợp viêm họng ở trẻ em.

Viêm họng do nhóm nguyên nhân này ngoài triệu chứng đau họng, bệnh nhân thường có một hoặc nhiều triệu chứng sau: mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy mũi, hắt xì, ho, khàn tiếng. Trẻ em thường có thể có các triệu chứng không điển hình như thở miệng, ói, đau bụng hoặc tiêu chảy.

Để điều trị bệnh viêm họng do nhóm nguyên nhân này bệnh nhân cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, uống thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc long đàm giảm ho và kháng histamine giảm chảy mũi. Bệnh thường khỏi sau 5-7 ngày, đôi khi cũng có những trường hợp nặng kéo dài 10-14 ngày. Nếu sử dụng kháng sinh ở nhóm nguyên nhân này chẳng những không có tác dụng mà rất có thể bị dị ứng thuốc và nguy cơ tạo sự kháng thuốc.

Thứ ba là nhóm nguyên nhân do vi trùng, trong đó vi trùng thường gặp nhất là liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A, nhóm nguyên nhân này chiếm khoảng 5-15% các trường hợp viêm họng ở người lớn, và khoảng 10-30% các trường hợp viêm họng ở trẻ em.

Đặc biệt ở trẻ từ 5-15 tuổi khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A nếu không phát hiện điều trị kịp thời có thể gây bệnh sốt thấp cấp (vi trùng tấn công mô liên kết như tim, gây tổn thương van tim, hoặc khớp, não và da) hoặc bệnh viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu mặc dù ngày nay biến chứng này rất hiếm xảy ra.

Đây là nhóm nguyên nhân viêm họng duy nhất cần sử dụng kháng sinh.

Triệu chứng đau họng trong bệnh viêm họng do nhiễm trùng thường xuất hiện đột ngột, không có ho sổ mũi hoặc viêm kết mạc mắt đi kèm, nhưng thường có sưng hạch cổ và sốt cao.

Để chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ sẽ nuôi cấy bệnh phẩm từ phết họng và amiđan. Tuy nhiên, trên thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đa số các trường hợp bác sĩ thường dựa trên kinh nghiệm qua sự thăm khám tỉ mỉ để quyết định điều trị kháng sinh cho bệnh nhân.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(khoa tai mũi họng Bệnh viện FV TP.HCM)

Không phải ai cũng xịt mũi đúng cách

 

TTO - Ngày nay bệnh mũi xoang rất phổ biến, một trong những thuốc điều trị viêm mũi xoang là thuốc xịt mũi.

 

 

 Picture28

 

Các loại thuốc này có thể là thuốc co mạch xịt trong những giai đoạn viêm cấp hoặc thuốc kháng viêm xịt để chống dị ứng và điều trị viêm mũi xoang mãn tính. 

Tuy nhiên nhiều người bệnh chưa được hướng dẫn cụ thể cách xịt mũi đúng cách, điều này góp phần làm cho kết quả điều trị không như mong muốn.

Các bước sử dụng thuốc xịt mũi đúng cách hiệu quả như sau:

Bước thứ nhất là rửa tay sạch, khô ráo, sau đó lắc đều chai thuốc nhiều lần trước khi xịt.

Bước thứ hai là có thể đứng hoặc ngồi rồi hơi cúi người về phía trước và nhìn xuống, đồng thời hỉ nhẹ dịch mũi trong hố mũi ra ngoài nếu có.

Bước thứ ba là cầm bình xịt mũi bằng tay phải khi xịt vào mũi trái và cầm bình xịt mũi bằng tay trái nếu xịt vào hố mũi bên phải, để đảm bảo hướng bình xịt mũi là hướng vào thành ngoài của hố mũi và lên trên.

Chú ý đầu của chai thuốc phải lọt vào trong lỗ mũi. Không nên hít mạnh khi xịt và sau khi xịt, vì làm như thế có thể khiến thuốc chạy thẳng xuống họng, không đọng lại trong mũi để phát huy tác dụng như mong muốn.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Mang thai có thể sử dụng thuốc điều trị tai mũi họng?

 

TTO - Em năm nay 28 tuổi, mới mang thai lần đầu. Em thường xuyên bị đau mũi, khô và rát. Em đã đi khám kết luận bị viêm mũi dị ứng bội nhiễm, lần sau đi khám BS bảo bị viêm mũi xoang có dịch ở mũi nhưng ít. Trước đó em hay rửa mũi bằng nước Sixat. BS cho em hỏi có em bé có sử dụng được chai xịt Sixat không? Với chứng viêm mũi vậy thi em cần phải làm gì khi đang mang bầu? (Bạn đọc)

Tư vấn của bác sĩ

Khi mang thai, người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố và miễn dịch do vậy rất dễ viêm mũi.

Cho dù là bạn đang bị viêm mũi dị ứng hay viêm mũi xoang thì việc sử dụng Xisat xịt rửa mũi đều rất hiệu quả. Loại nước biển này sẽ giúp rửa sạch các chất tiết trong mũi xoang, giúp bệnh mau hồi phục mà không hề ảnh hưởng gì đến tình trạng mang thai của bạn.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là phương pháp điều trị hỗ trợ. Điều quan trọng là bạn phải được điều trị đặc hiệu như dị ứng thì phải tránh tác nhân gây dị ứng, sử dụng thuốc kháng dị ứng; nếu viêm mũi xoang do vi trùng thì phải điều trị kháng sinh, kháng viêm.

Trẻ em có thể sử dụng được chai nước biển sâu như Xisat.

* Nhờ anh chị tư vấn giúp, em vừa hoàn thành đợt điều trị nội trú bệnh viêm mũi xoang. Phương pháp điều trị là tiêm kháng sinh và dùng kèm thuốc trong vòng 10 ngày, mỗi ngày tiêm 3 lần. Vậy cho em hỏi là sau thời gian bao lâu thì em có thể có thai để không bị ảnh hưởng đến thai nhi ạ, em xin chân thành cảm ơn ban tư vấn!(Bạn đọc)

- Các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm thông thường trong điều trị viêm mũi xoang thường có thời gian ở trong cơ thể không quá một tuần, sau đó sẽ được đào thải hoàn toàn ra ngoài. Do vậy sau hai tuần bạn có thể bắt đầu có thai mà không sợ có bất kỳ ảnh hưởng nào.

* Mình hiện đang có một số triệu chứng lạ ở tai. Cả 2 bên dái tai có những "hột" như mụn ở trong khá lớn, đã tồn tại lâu. Những tháng gần đây 2 bên tai cứ khoảng 1 tháng thì mưng mủ rồi chảy ra ngoài. Xin hỏi đây là bệnh gì và cách điều trị như thế nào?

Tư vấn của bác sĩ

Theo như bạn mô tả, hiện bạn đang bị "mụn" ở dái tai, đây thực chất là những ổ nhiễm trùng của những lổ chân lông dái tai. Có trường hợp phát triển thành những nang bã đậu càng ngày càng to dần phải rạch da để lấy ra trọn nang mới chữa khỏi hoàn toàn bệnh.

Có trường hợp chỉ tồn tại dưới vài cái mụn nhỏ nằm sâu dưới da ấn vào có cảm giác đau nhẹ, không cần điều trị gì.

Trong những đợt mụn này bị nhiễm trùng cấp tính, da vùng này sẽ trở nên sưng đỏ, có chảy mủ, bạn nên gìn giữ vệ sinh thật tốt, đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc da liễu để được hướng dẫn sử dụng thuốc bôi tại chỗ và kháng sinh toàn thân phù hợp.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)