Tai mũi họng tổng quát

Tai mũi họng tổng quát

Trẻ em có thể sử dụng nước biển sâu?

Children-Nasal-Irrigation-150x116 Em năm nay 28 tuổi, mới mang thai lần đầu. Em thường xuyên bị đau mũi, khô và rát. Em đã đi khám kết luận bị viêm mũi dị ứng bội nhiễm, lần sau đi khám BS bảo bị viêm mũi xoang có dịch ở mũi nhưng ít. Trước đó em hay rửa mũi bằng nước Sixat. BS cho em hỏi có em bé có sử dụng được chai xịt Sixat không? Với chứng viêm mũi vậy thi em cần phải làm gì khi đang mang bầu?

                                                                                                                                         Bạn đọc

Khi mang thai, người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố và miễn dịch do vậy rất dễ viêm mũi. Cho dù là bạn đang bị viêm mũi dị ứng hay viêm mũi xoang thì việc sử dụng Xisat xịt rửa mũi đều rất hiệu quả. Loại nước biển này sẽ giúp rửa sạch các chất tiết trong mũi xoang, giúp bệnh mau hồi phục mà không hề ảnh hưởng gì đến tình trạng mang thai của bạn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là phương pháp điều trị hỗ trợ. Điều quan trọng là bạn phải được điều trị đặc hiệu như dị ứng thì phải tránh tác nhân gây dị ứng, sử dụng thuốc kháng dị ứng; nếu viêm mũi xoang do vi trùng thì phải điều trị kháng sinh, kháng viêm. Trẻ em có thể sử dụng được chai nước biển sâu như Xisat. Ngoài ra trên thị trường hiện nay còn có các loại nước biển sâu như: Sterimar, Physiomer, hoặc nước biển sâu ưu trương: Sinomarin.

Ho kéo dài

cough

Mỗi lần bị ho, tôi uống thuốc tây cả tháng mới hết. Lần này, tôi ho hơn hai tháng. Công việc của tôi rất bận rộn nên không thể đến bệnh viện. Tôi có nên tiếp tục uống thuốc không vì uống cả hai tháng nay mà chưa hết bệnh?

                           N.C.Quốc


- Để chẩn đoán chính xác người thầy thuốc cần biết rất nhiều về tính chất của triệu chứng ho và có thể phải cần đến những xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm đàm, chụp X-quang phổi và nội soi đường hô hấp.

Dựa vào thời gian của triệu chứng ho, người ta phân biệt có ba loại ho: ho cấp tính, thời gian kéo dài dưới ba tuần; ho bán cấp, thời gian kéo dài từ ba tuần đến tám tuần; ho mãn tính, thời gian kéo dài hơn tám tuần. Như vậy triệu chứng ho của bạn kéo dài hơn hai tháng được xem như ho mãn tính.

Nguyên nhân thứ nhất của ho mạn tính là tình trạng chảy mũi sau. Tình trạng này có thể do viêm mũi do dị ứng hoặc không do dị ứng, viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi xoang mãn tính do vi trùng. Ngoài ho khan, bệnh nhân thường chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi hoặc ngứa mũi, ngứa mắt, hỉ ra mũi vàng hoặc xanh.

Nguyên nhân thứ hai là hen phế quản (suyễn). Ngoài triệu chứng ho, bệnh nhân còn có cảm giác khó thở khi thở ra và thường xuất hiện khi lạnh, khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi gắng sức. Bệnh nhân bị suyễn thường trong gia đình có bố hoặc mẹ bị tương tự.

Nguyên nhân thứ ba là do trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhân thường có các triệu chứng về tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua, ăn khó tiêu...

Nguyên nhân thứ tư là do viêm phế quản. Có thể do viêm phế quản mạn tính với triệu chứng ho có đàm kéo dài ít nhất ba tháng trong một năm và trong hai năm liên tiếp. Hoặc do viêm phế quản do tăng bạch cầu ái toan, bệnh nhân thường có triệu chứng ngứa khó chịu trong cổ, làm khởi phát những đợt ho khan hoặc có đàm trắng.

Nguyên nhân thứ năm là do sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển trong bệnh lý tim mạch hoặc cao huyết áp.

Nguyên nhân sau cùng của ho mãn tính là do lao phổi hoặc ung thư phổi. Ho thường có đàm máu kèm theo sụt cân, biếng ăn, đau nhói ngực.

Như vậy ho kéo dài có thể có nguyên nhân đơn giản nhưng cũng có thể có nguyên nhân rất phức tạp. Chẩn đoán không phải lúc nào cũng dễ dàng. Việc tự mua thuốc để điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ là điều không hợp lý và có hại cho sức khỏe. Bạn nên đến bác sĩ khám để có chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Bệnh viện FV TP.HCM)

Để tránh đau tai khi đi máy bay

Lúc máy bay cất cánh và đặc biệt lúc hạ cánh có sự thay đổi đột ngột giữa áp suất bên ngoài và bên trong tai giữa. Do ống vòi nhĩ nối từ tai xuống vòm mũi họng mở không kịp hoặc mở không được vì phù nề, viêm nhiễm nên hành khách thường có cảm giác ù tai, nghe kém. Đa số hành khách tự khỏi ngay sau đó nhưng không ít trường hợp bị tràn dịch, tràn máu trong tai giữa.

Để phòng tránh những tình trạng này, khi đi máy bay nên thực hiện vài mẹo nhỏ sau:

Thứ nhất: nhai kẹo cao su, mút kẹo, ngáp, nuốt nước bọt, cử động hàm dưới tích cực khi máy bay hạ cánh hoặc cất cánh để lỗ vòi nhĩ mở ra.

Thứ hai: nếu đi cùng trẻ em, trước khi máy bay hạ cánh cần đánh thức trẻ dậy vì khi ngủ phản xạ nuốt sẽ giảm, làm lỗ vòi nhĩ không mở ra được. Đồng thời cho bé bú để tạo phản xạ nuốt mở lỗ vòi nhĩ.

Thứ ba: nếu đang bị viêm đường hô hấp cấp do cảm, viêm mũi xoang cấp, viêm mũi dị ứng… thì không nên đi máy bay vì lúc này vòi nhĩ cũng bị viêm, tắc nghẽn.

Trong trường hợp bắt buộc phải đi máy bay, bạn cần được bác sĩ tai mũi họng tư vấn để có sự chuẩn bị phù hợp.

Nếu sau chuyến bay vẫn còn đau tai, ù tai kéo dài quá một ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng để có chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG