Tai mũi họng tổng quát

Tai mũi họng tổng quát

Chảy máu mũi

 

TTO - Tôi bị viêm mũi dị ứng khoảng 7, 8 năm nay, nhưng gần đây tôi đến phòng mạch khám, xét nghiệm, chụp X-quang thì bác sĩ nói tôi bị viêm đa xoang. Khoảng một tháng rưỡi nay tôi bị chảy máu khoảng 4 lần ở mũi trái và có lần tôi rất đau đầu, nôn khoảng 3 lần, đến bệnh viện huyện khám không phát hiện gì, chụp X-quang thì vẫn bị viêm xoang. Xin bác sĩ cho biết  bệnh của tôi có nguy hiểm lắm không? Ngoài bệnh xoang còn có thể bị bệnh khác nữa không? Tôi nên đi khám ở đâu thì tốt nhất, chữa bệnh có mất nhiều tiền, thời gian không? Tôi nên ăn ngủ và kiêng cữ những gì? (Nguyễn Mạnh Thường) 

Tư vấn của bác sĩ

Chảy máu mũi có rất nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân ngay tại hố mũi bao gồm: viêm mũi xoang mãn tính, polyp mũi, vẹo vách ngăn, dị vật mũi, do sử dụng một số thuốc kháng viêm xịt mũi, chấn thương, dị dạng mạch máu, bướu máu hoặc ung thư.

Các nguyên nhân là bệnh lý toàn thân có biểu hiện chảy máu mũi bao gồm: cao huyết áp, sử dụng một số thuốc chống đông hoặc thuốc kháng viêm non-steroid, rối lọan đông máu và ung thư máu.

Trường hợp cụ thể của bạn, viêm mũi dị ứng nay đã 7-8 năm, X-quang đã xác định có viêm đa xoang, như vậy chúng tôi nghĩ nguyên nhân chảy máu mũi là do bệnh lý viêm mũi xoang mãn tính trên nền cơ địa dị ứng của bạn gây ra.

Đây là một bệnh lý không có gì nguy hiểm, nếu bạn kiên trì và có cách chữa thích hợp, bệnh viêm mũi xoang thuyên giảm thì chảy máu mũi sẽ hết ngay. Tuy nhiên để xác định chính xác chẩn đoán, bạn nên được nội soi mũi xoang và chụp phim CT scan mũi xoang. Bạn có thể khám tại cơ sở tai mũi họng có uy tín, có trang bị máy nội soi và chụp CT scan, thông thường thời gian chỉ mất một buổi, chi phí thì phụ thuộc rất nhiều vào mỗi cơ sở.

Hiện tại bạn có thể tránh tiếp xúc với những yếu tố gây dị ứng với chính bạn và rửa mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý để mũi thông thoáng và giảm nhẹ các triệu chứng. Tránh thức khuya dậy sớm, làm việc căng thẳng, stress và đồng thời có chế độ dinh dưỡng phù hợp.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Hết cảm, sao còn ho hoài không hết?

 

TTO - Tại sao tôi đã hết cảm mà vẫn ho hoài không hết? Đó là câu hỏi của bệnh nhân đặt ra cho các bác sĩ tai mũi họng hoặc hô hấp hằng ngày tại phòng khám. 


Picture18 

 

Bệnh cảm là gì?

Bệnh cảm thông thường là tình trạng nhiễm siêu vi hay còn gọi là virút của đường hô hấp trên. Bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng như chảy mũi, nghẹt mũi, hắt xì, ngứa họng, đau họng, chảy nước mắt, ho, nhức đầu, đau nhức ê ẩm mình mẩy, mệt mỏi, sốt nhẹ và ăn uống kém.

Thông thường bệnh sẽ hết sau 5-7 ngày. Một số rất ít trường hợp bệnh kéo dài 10-14 ngày. Khoảng 10% dẫn đến các biến chứng như viêm xoang, viêm phế quản phổi, viêm tai giữa.

Ho do viêm xoang

Ngoài triệu chứng ho, các triệu chứng khác như sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng tăng dần, kèm nhức đầu có thể khạc ra hay hỉ mũi ra đàm vàng, xanh có mùi hôi. Nhức đầu, đau các vùng xoang hàm, trán hoặc đau trong mũi, giữa hai cung mày.

Trong thực tế đôi lúc chỉ có duy nhất triệu chứng ho, do dịch tiết nhiễm trùng ở mũi xoang chảy xuống họng kích thích họng gây ho. Thông thường bệnh nhân không cảm nhận được mình có chảy mũi phía sau, tức là chảy xuống họng, nhưng cũng có một số bệnh nhân cảm nhận điều này rất rõ và đây là triệu chứng làm bệnh nhân rất khó chịu đi kèm với triệu chứng ho.

Ho do viêm phế quản - phổi

Sau khi các triệu chứng cảm như ho, sổ mũi, đau họng đã hết nhưng triệu chứng ho tăng lên, ho thường có đàm, đàm có thể trong, vàng, xanh hoặc có thể có máu, có thể có sốt hoặc không. Trường hợp nặng có thể có tức ngực, khó thở hoặc ói, tiêu chảy. Bệnh nhân thường than phiền có khó chịu sâu trong lồng ngực, ho thường tăng lên khi lạnh, đặc biệt là sáng sớm.

Ho do kích thích thần kinh

Ho do kích thích thần kinh sau đợt cảm thường có đặc điểm là người bệnh hoàn toàn bình thường, không cảm thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng đường hô hấp khác ngoài triệu chứng ho. Trước khi ho người bệnh thường có cảm giác nhột, ngứa, bị kích thích trong họng hoặc thanh quản, cảm giác này thường đưa đến một cơn ho dữ dội không thể nào kiểm soát được. Ho thường tăng lên khi nhiệt độ thay đổi, hít sâu, cười, nói, có mùi lạ, ngồi trước gió hoặc một số thực phẩm có dầu mỡ, gia vị. Triệu chứng ho thường tồn tại và kéo dài hơn tám tuần sau khi bị cảm.

Làm thế nào để phòng bệnh?

Khi bị cảm, cần nhất là giữ ấm cơ thể, tránh luồn gió lạnh, tránh đi ngoài sương; uống nhiều nước ấm; nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc thức khuya dậy sớm, làm việc quá mức; súc miệng bằng nước muối sinh lý; rửa mũi bằng nước muối ấm, có thể sử dụng các loại thuốc chống nghẹt mũi nhưng không quá năm ngày. Nên ăn các thức ăn rau quả nhiều vitamine, tránh dùbng các thức ăn nhiều dầu mỡ khó tiêu.

Khi thấy các triệu chứng không thuyên giảm mà trở nên nặng hơn nên đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và xử lý kịp thời.

 

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - BV PV TP.HCM

 

Hạch cổ có phải là ung thư?

 

TTO - Nhiều bệnh nhân trong tâm trạng lo lắng tìm đến bác sĩ vì sợ bị ung thư do tình cờ tự phát hiện thấy mình có hạch cổ.

 Picture16

 

Trong cơ thể chúng ta có khoảng 600 hạch lim phô phân bố khắp nơi. Hạch được xem như là các trạm canh gác của hệ thống miễn dịch, vì hạch sinh ra các tế bào lim phô có chức năng phát hiện và chiến đấu tiêu diệt các mầm bệnh khi các mầm bệnh xâm nhập cơ thể.

Khi có nhiễm trùng hoặc ung thư, hạch sẽ phải sản xuất một lượng lớn tế bào lim phô hơn bình thường để thực hiện chức năng của mình, do vậy hạch sẽ to ra.

Trong trường hợp bình thường chỉ có nhóm hạch dưới hàm, hạch nách và hạch bẹn là đôi khi có thể sờ được. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tại sao nhiều người hốt hoảng khi tình cờ phát hiện mình có hạch cổ, mặc dù đó là hạch bình thường.

Hạch cổ được xem là bình thường khi đường kính của hạch nhỏ hơn 1cm. Khi sờ nắn hạch di động tốt không dính chặt với mô xung quanh, có bờ giới hạn rõ, không đau và mật độ mềm vừa phải không quá cứng.

Nguyên nhân của hạch cổ to thường là do những bệnh lý của da, mô mềm vùng đầu cổ, khoang miệng, lưỡi, họng, thanh quản và tai. Các nhóm bệnh lý thường gặp bao gồm nhiễm trùng, lao và ung thư. Ngoài ra hạch cổ có thể to do các nguyên nhân ít gặp hơn như dị ứng, nhiễm siêu vi, sử dụng một số thuốc hoặc một số rối loạn miễn dịch. 

Trong trường hợp hạch to do nhiễm trùng, thông thường rất dễ nhận ra nơi nhiễm trùng qua cách khám tai mũi họng hoặc tự bệnh nhân cũng có thể cảm nhận được như nhọt ngoài da, vết loét trong khoang miệng và lưỡi, viêm họng, viêm hoặc áp xe nướu răng. Hạch sẽ mất đi khi bệnh nhân được điều trị với kháng sinh kháng viêm trong 5 đến 10 ngày tùy theo tình trạng nặng nhẹ của mỗi bệnh nhân.

Nếu hạch to do lao, hạch thường có tính chất không đau, dính chùm nhiều hạch. Hạch thường có thời gian xuất hiện lâu. Nếu trong giai đoạn chưa có viêm quanh hạch hoặc dò mủ ra da thì phương pháp chẩn đoán chính xác nhất là sinh thiết hạch.

Trong trường hợp hạch to do ung thư thì tính chất của hạch rất đặc biệt như hạch có kích thước lớn hơn 1cm, dính chắc với mô xung quanh, bờ giới hạn không rõ ràng, đau khi sờ nắn, mật độ cứng chắc.họng và lưỡi.

Trong trường hợp này, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được siêu âm hoặc chụp CT để đánh giá các đặc điểm của hạch, cấu trúc vùng mũi họng và đồng thời nội soi toàn diện tai mũi họng để tìm nguyên nhân nếu có.

Ths, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - BV FV TP.HCM 

Ngăn sổ mũi bằng tỏi, mật ong 

 

TTO - DS Lê Kim Phụng và BS Nguyễn Trương Khương bàn và giải thích thêm về kinh nghiệm cắt triệu chứng sổ mũi bằng cách xông nước tỏi, đeo khẩu trang...

 Picture14

Bà Trần Thị Nhung (quận 10) dùng nước tỏi xông hơi để trị bệnh viêm xoang

- Ảnh: Duyên Phan

Sau khi đọc bài viết “Sổ mũi quanh năm” trên báo Tuổi Trẻ, một số bạn đọc nêu kinh nghiệm cắt triệu chứng sổ mũi bằng cách xông nước tỏi, đeo khẩu trang..., một dược sĩ và một bác sĩ bàn và giải thích thêm về cách làm của bạn đọc.

* Điều trị chứng viêm xoang từ giấm táo, mật ong và tỏi

Viêm mũi dị ứng kéo dài có thể dẫn tới viêm xoang. Tôi từng nói chuyện với nhiều người bạn bị chứng viêm xoang, sổ mũi quanh năm. Những triệu chứng như chảy nước mũi, đau mặt, khó thở, đau đầu và mệt mỏi đã làm cho họ rất khó chịu, nhất là khi đang làm việc ở công sở.

Lý do tình trạng này kéo dài có thể do sự ô nhiễm từ không khí, thay đổi thời tiết, hoặc hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm và không chừa nguyên nhân do stress.

Đôi khi sự điều trị thật đơn giản là chỉ cần thay đổi lối sống, cố gắng loại bỏ các yếu tố gây nhiễm trùng, hạn chế sử dụng các sản phẩm từ hóa chất.

Về mặt y học cổ truyền, tôi đã giới thiệu với họ một số tài liệu của y học vệ đà (Ajurvedic) nói về một số phương thuốc cổ truyền đơn giản nhưng hiệu quả, có thể điều trị chứng viêm xoang từ giấm táo, mật ong và tỏi.

1. Xông hơi với giấm táo (apple cider vinegar), loại này có bán ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, giấm táo pha trong nước sôi tỉ lệ 1/1 sẽ tạo thành một dung dịch xông mũi mạnh, giấm táo pha loãng giúp làm sạch các chất nhầy ứ đọng trong đường mũi.

Có thể pha thêm vài giọt tinh dầu bạch đàn giúp mũi thông hơn, làm giảm cảm giác tắc nghẽn ngực do cảm lạnh và nhiễm trùng xoang.

2. Dùng mật ong nguyên chất có tính kháng virút, kháng khuẩn và kháng nấm, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch. Các thầy thuốc y học vệ đà đề nghị để ngừa viêm xoang, chúng ta nên bắt đầu một ngày mới với nước mật ong.

Bạn chỉ cần trộn một thìa mật ong vào một cốc nước ấm (không nóng quá) rồi uống vào buổi sáng. Để điều trị nhiễm trùng xoang dai dẳng, có thể thử dùng kết hợp gồm một ly nước ấm, một muỗng cà phê mật ong, một muỗng canh giấm táo, ba tép tỏi băm nhỏ.

Trộn đều và uống sẽ tốt cho sức khỏe các xoang mũi của bạn. Còn nếu sợ tỏi hôi khó uống thì chỉ cần trộn hai muỗng giấm táo và một muỗng mật ong nguyên chất chia ra uống ba lần trong ngày.

3. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý (1/2-1 muỗng muối trong 500ml nước ấm) và kết hợp ăn uống. Người hay bị viêm xoang có thể ăn thêm một số thực phẩm giúp tăng tính chống oxy hóa, kháng khuẩn, kháng virút thiên nhiên ở dạng thô hoặc dạng viên, trà, bột chiết xuất từ hạt bưởi, hoặc các loại quả mọng (nho, dâu tây...) có màu tím đậm và vị chua ngọt.

Một tách trà nóng quả mọng đã được chứng minh giúp ngăn chặn tình trạng viêm và nhiễm trùng trong hệ thống hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch và hiệu quả chống lại bệnh mùa đông bao gồm cả viêm xoang.

4. Xông hơi với tỏi, trong trường hợp chưa nhiễm trùng xoang nặng thì phương pháp xông hơi bằng tỏi có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu. Đun sôi một lít nước trong nồi, sau đó thêm 3-4 tép tỏi tươi bằm nhỏ vào.

Dùng một cái khăn che ngang đầu và ngồi với tư thế thoải mái và hít từ từ. Lúc đầu mới hít có hơi khó chịu, nhưng hơi nước và tinh dầu trong tỏi sẽ có tác dụng làm thông mũi vì tỏi là một kháng sinh tự nhiên rất mạnh.

Tinh dầu tỏi có tính kháng viêm và kháng khuẩn có thể giúp tăng cường sức khỏe xoang. Tỏi cũng chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa giúp bảo vệ, sửa chữa các tế bào bị hư hỏng và ngăn ngừa bệnh tật (theo Drug.com).

Nếu muốn xông hơi không bị hao hụt thì có thể sử dụng máy xông hơi (nên tìm mua ở các cửa hàng thiết bị y tế có thương hiệu đảm bảo, nếu máy xông siêu âm thì giá mắc hơn và cần sử dụng theo hướng dẫn).

Tuy nhiên sử dụng tỏi để xông mũi phải tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng vì có những tác dụng phụ như sau: hơi thở hôi; tiêu chảy, đổ mồ hôi nhiều; buồn nôn, nôn; cảm giác nóng rát dạ dày, rát cổ họng, nóng rát trong miệng; phát ban và cảm giác người lâng lâng.

Mặc dù không phổ biến nhưng nhiều người có cơ địa dị ứng với tỏi thì không nên dùng. Trường hợp thấy xuất hiện một trong các phản ứng như trên hoặc thấy hơi bị khó thở, phát ban hay nghẹt mũi, ngưng sử dụng ngay và cần đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Đeo khẩu trang có ngừa được bệnh viêm mũi dị ứng?

Bạn đọc tên Nam viết trên TTO: “Trước đây tôi bị bệnh viêm mũi dị ứng, nhưng từ khi mang cùng lúc ba khẩu trang mỗi khi ra đường thì bệnh hoàn toàn không tái phát, đó là kinh nghiệm của tôi”. BS Nguyễn Trương Khương giải thích:

Ngoài việc phải dùng thuốc kháng dị ứng, kháng viêm để làm giảm các triệu chứng dị ứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, người bị viêm mũi dị ứng nên để ý xem mình dị ứng với các tác nhân nào hoặc trong những điều kiện nào các triệu chứng dị ứng xuất hiện để có thể phòng bệnh một cách hiệu quả.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang như khẩu trang y tế, khẩu trang vải, khẩu trang than hoạt tính, khẩu trang N95, khẩu trang công nghệ nano. Đeo khẩu trang khi làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc khi tham gia giao thông tỏ ra rất hữu ích cho những bệnh nhân dị ứng với khói bụi.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân dị ứng với các tác nhân khác không phải khói, bụi thì cách phòng bệnh hoàn toàn khác.

Chẳng hạn như dị ứng với phân của con mạt bụi nhà có trong mùng, mền, chiếu gối, tấm trải giường, thảm thì cách phòng bệnh là nên thường xuyên giặt bằng nước sôi trên 600C, phơi nắng, thường xuyên làm vệ sinh, hút bụi trong nhà và nên có máy lọc không khí trong nhà.

Đối với những bệnh nhân dị ứng với thú nuôi thì tránh nuôi thú trong nhà. Còn bệnh nhân dị ứng nước hoa và một số hóa chất thì không nên sử dụng nước hoa, tránh tiếp xúc với các hóa chất đã biết.

Nên thường xuyên tập thể thao, ăn uống điều độ và làm việc giờ giấc là một yếu tố quan trọng tác động lên hệ miễn dịch làm giảm xuất hiện các triệu chứng của bệnh dị ứng.

                                                                              BS Nguyễn Trương Khương