Tai mũi họng tổng quát

Tai mũi họng tổng quát

Ngứa tai và mũi họng

 

TTO - Em năm nay 23 tuổi, bị viêm xoang trán bảy năm nay và đôi khi dùng thuốc đông dược như Tỷ Viêm Nang, CoTaXoang khi bị nhức đầu. Khoảng hai năm gần đây em rất hay ngứa lỗ tai, có khi cả ngày. Khi ngứa thì cả cổ họng, mũi cũng bị ngứa theo, rất khó chịu. Em không biết có phải do bệnh viêm xoang trán gây ra hay không? Rất mong có cách chữa dứt căn bệnh ngứa lỗ tai này. (Nguyen thi Thu Hien)

Tư vấn của bác sĩ

Trước hết có thể khẳng định với em là tình trạng viêm xoang trán (nếu có) của em hoàn toàn không liên quan gì đến triệu chứng ngứa tai, ngứa mũi họng của em cả.

Vì xoang trán ở vùng trán nên triệu chứng của viêm xoang trán thường là nhức đầu, đặc biệt là nhức ở vùng trán giữa hai chân mày hoặc trên hai mắt, có thể có thêm triệu chứng chảy mũi, hoặc trong những đợt cấp sẽ có thêm triệu chứng sốt đi kèm.

Triệu chứng ngứa tai và ngứa mũi họng của em rất có thể do một tình trạng dị ứng. Em nên để ý thêm triệu chứng này thường khởi phát lúc nào và có đi kèm theo ngứa mắt và hắc xì hoặc sổ mũi, ngạt mũi không. Nếu có đủ các triệu chứng trên, coi như là em bị dị ứng 100% rồi.

Nên để ý triệu chứng khởi phát trong trường hợp nào, lúc đó có gì lạ, chẳng hạn như có ăn gì đó khác thường ngày, thay đổi vào một môi trường lạ, tiếp xúc với cái gì đó khác thường để từ đó lần tìm ra tác nhân gây dị ứng để tránh.

Đồng thời em cũng nên tranh thủ đi khám ở bác sĩ chuyên khoa để thăm khám thật kỹ loại trừ các bệnh lý khác cũng gây ngứa tai như dị vật tai, ráy tai, viêm ống tai ngoài do vi trùng hoặc do nấm. Sau khi xác định lại chẩn đoán, bác sĩ sẽ kê toa loại thuốc kháng dị ứng phù hợp.

Nên nhớ nếu mình bị dị ứng thì tuyệt đối tránh tiếp xúc với dị nguyên là chất hoặc tác nhân khi tiếp xúc sẽ gây ra phản ứng dị ứng. Việc điều trị bằng thuốc chỉ có thể làm giảm nhẹ triệu chứng, giảm số lần bị bệnh, kéo dài thời gian không bị bệnh thôi chứ không thể điều trị dứt hẳn 100% được.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Nhức đầu khi trời trở lạnh

 

17/08/2010 13:54 GMT+7

TTO - Mẹ tôi bị bệnh viêm xoang đã lâu, thường xuyên đau nửa bên đầu. Đi khám bệnh kết quả bị viêm xoang hàm. Hiện nay mỗi lần trời trở lạnh mẹ tôi rất đau đầu.

Xin hỏi BS dùng thuốc xông đặc trị bệnh viêm xoang liệu có khỏe không?

Ngọc Diễm - Tiền Giang

Nhức đầu khi trời trở lạnh có thể do sự phù nề, chèn ép trong hố mũi của các cấu trúc bất thường như vẹo vách ngăn, bóng khí cuốn mũi, điểm tiếp xúc hoặc các tổn thương hình thành do viêm nhiễm lâu ngày như dày niêm mạc, polyp, nang. Người bệnh ở nhóm bệnh này thường có đau nhức trong mũi, vùng giữa mặt, hoặc nặng mặt. Đồng thời có thể kèm theo nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất mùi. Trong những trường hợp viêm xoang sàng hoặc xoang bướm bệnh nhân thường có đau đầu vùng chẩm (phía sau đầu) và vùng gáy. Bên cạnh đó, trời trở lạnh cũng là yếu tố khởi phát một số bệnh thần kinh như Migraine (đau nửa đầu), bệnh thường gặp ở nữ và có yếu tố di truyền. Bệnh nhân thường đau đầu dữ dội một bên hoặc hai bên thái dương hay sau ổ mắt. Trong những trường hợp điển hình bệnh nhân thường sợ ánh sáng, sợ tiếng động, vả mồ hôi và mệt mỏi. Cơn đau thường kéo dài vài giờ đến vài ngày. Bệnh hay hay lặp đi lặp lại hằng tuần, hằng tháng hoặc khi có các yếu tố khởi phát như lo lắng, khí hậu thay đổi, một số thức ăn, một số thuốc, rượu, cà phê hoặc chu kỳ kinh nguyệt.

 Picture36

Trường hợp mẹ của bạn để chẩn đoán chính xác cần phải được thăm khám kỹ lưỡng cả hai chuyên khoa thần kinh và tai mũi họng. Hiện bạn chưa cho chúng tôi biết mẹ bạn có được chụp phim CT hay chưa, nếu đã chụp rồi chúng tôi cũng chưa biết được mức độ viêm xoang hàm của mẹ bạn ở mức độ nào, có tương ứng mức độ nhức đầu không. Và cũng không loại trừ hẳn mẹ của bạn có bị Migraine hay không.

Các loại thuốc xông chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không phải là cách điều trị chính của bệnh lý viêm xoang.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Nang ở đáy lưỡi

 

TTO - Vừa rồi, tôi có lên mạng tìm hiểu về bệnh tật của mình và gặp được trang tư vấn của Phòng mạch online - Tuổi Trẻ Online, tôi rất tự tin khi thấy Phòng mạch có những chia sẻ vô tư với các độc giả mạng về những kiến thức y khoa. Vì vậy, tôi xin được các bác sĩ, các chuyên gia tư vấn cho tôi về một vấn đề mà tôi đang rất không biết nên như thế nào. Ấy là, tôi có triệu chứng: hay nuốt nước bọt, khi chua, khi chát, khi mặn, khi đắng; hay thấy nghẹn ở cổ như khuy áo bị nút chặt; nuốt thấy vướng; đau; hay ho.

Triệu chứng này xảy ra cách đây gần 3 năm, và không thường xuyên. Từ những lần đầu tiên có triệu chứng và mỗi khi bị ho (một năm nay, hầu như tháng nào tôi cũng uống thuốc một tuần vì ho - viêm họng), tôi đều đã đi thăm khám ở các bệnh viện cấp huyện, tỉnh, kể cả tư nhân; và các thầy thuốc đều kết luận mấy thứ bệnh tương tự về khu vực họng: lúc thì viêm họng mạn, khi lại viêm họng hạt; rồi viêm thanh quản, viêm amidan, viêm phế quản; thậm chí có bệnh viện còn cho là bị về…dạ dày, khi thực hiện nội soi từ họng xuống dạ dày. Hồi đầu tháng 3 này, tôi tới Bệnh viện 74 Trung ương (Vĩnh Phúc) khám, có kết quả: niêm mạc xung huyết; thành sau có nhiều tổ chức Lympbo tăng sinh; bên phải rãnh lưỡi - thanh nhiệt có 1 nang; dây thanh sung huyết, di động cân đối. Kết luận: nang hạ họng.

Các bác sĩ ở đây khuyên tôi nên về thẳng Viện tai mũi họng Trung ương thăm khám lại để có hướng điều trị đúng. Và tôi đã về Viện TMHTW khám. Cũng có kết luận: viêm họng thanh quản; nang hố lưỡi thanh nhiệt phải. Khi tôi hỏi tình trạng bệnh của tôi và hướng điều trị tích cực, các bác sĩ ở đây chỉ kê cho tôi đơn thuốc uống trong 1 tuần và hẹn hết thuốc khám lại. Tôi đã uống hết thuốc tuần đầu và khám lại, bác sĩ lại kê cho tôi đơn thuốc uống trong 1 tuần nữa và hẹn sau vài tuần liên lạc lại (vì tôi làm ở xa Hà Nội).

Thưa các bác sĩ và chuyên gia tư vấn của PMOL- Tuổi Trẻ Online, sẽ không có thư này về nhờ phiền tới Chương trình, nếu sau hai tuần uống thuốc vừa qua mà mọi sự không bất thường với tôi: quả thực, tuần đầu uống thuốc, thấy rất khả quan (cảm giác nhẹ nhàng trong họng, giảm ho hẳn, có ngày còn rất hiếm tiếng ho). Nhưng vài hôm nay (gần hết thuốc đợt 2), bỗng thấy ho tăng lên và, đặc biệt là nuốt thấy đau trong họng- cổ (trước kia, cảm giác đau này khó nhận biết hoặc thoáng qua).

Tôi hy vọng nhận được những lời tư vấn, những ý kiến chân tình của tất cả các bác sĩ, các chuyên gia tư vấn của PMOL - Tuổi Trẻ Online, cho dù thực tế có phũ phàng đến đâu. Tôi vô cùng cám ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của Chương trình: có thể là ngoại lệ, tôi rất hy vọng và tin rằng, sẽ nhận được thư trực tiếp của Chương trình gửi cho tôi về địa chỉ email trong thời gian sớm nhất, để tôi có được quyêt định sáng suôt, kịp thời cho cuộc đời của mình. (P.B.Minh)

Tư vấn của bác sĩ

Trước tiên chúng tôi có thể khẳng định ngay với anh về tình trạng bệnh lý của anh thật sự không có gì nguy hiểm như những lo lắng của anh đang có.

Vấn đề của anh hiện nay là thấy hay nuốt nước bọt, khi chua, khi chát, khi mặn, khi đắng; hay thấy nghẹn ở cổ như khuy áo bị nút chặt; nuốt thấy vướng; nuốt thấy đau; hay ho. Các triệu chứng này tuy không thường xuyên nhưng kéo dài nhiều năm, đồng thời khi nội soi dạ dày có viêm dạ dày. Có thể nói đây là một bức tranh rất điển hình của bệnh lý trào ngược thanh quản.

Các hình ảnh nội soi của thanh quản của anh có ghi nhận hai dây thanh sung huyết, toàn bộ thanh quản đỏ, sụn phễu phù nề và dày mép sau càng chứng minh một cách khách quan hơn nữa chẩn đoán trào ngược thanh quản của chúng tôi là hòan toàn chính xác. Đồng thời trên hình ảnh nội soi cũng cho thấy anh có một nang nhỏ vùng rãnh lưỡi thanh thiệt bên phải.

Về mặt điều trị bệnh lý của anh có hai phương thức điều trị cần được tiến hành song song:

Thứ nhất là phẫu thuật thanh quản lấy nang ở đáy lưỡi thanh thiệt để làm giải phẫu bệnh lý. Mặc dù nhìn bề ngoài và theo kinh nghiệm của chúng tôi thì đây hoàn toàn là một nang lành tính do nhiễm trùng hình thành nên, tuy nhiên kết quả giải phẫu bệnh vẫn là câu trả lời sau cùng.

Đồng thời hiện anh có triệu chứng muốt vướng, triệu chứng này có thể do tình trạng viêm hạ họng thanh quản do trào ngược và cũng có thể do nang này gây ra. Đây là một một phẫu thuật nội soi thanh quản không mấy phức tạp, bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày phẫu thuật đồng thời có chế độ ăn uống và làm việc bình thường ngay ngày hôm sau.

Thứ hai là điều trị trào ngược thanh quản, phương thức điều trị này bao gồm hai bước. Thứ nhất là điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống. Tránh lo lắng, căng thẳng quá mức, ăn đúng giờ, cữ ăn quá no, cữ ăn thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ gia vị hành tiêu ớt, cữ uống nước quá nhiều ngay sau ăn hoặc đi nằm liền, vận động mạnh ngay sau ăn, cữ cà phê, thuốc lá rượu. Sử dụng thuốc giảm tiết axít và điều hòa nhu động co bóp của dạ dày. Thông thường thời gian điều trị mất ít nhất là ba tháng đến sáu tháng uống thuốc liên tục bệnh mới có thể giảm một cách đáng kể.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Những nguyên nhân gây ho mãn tính

 

TO - Tôi bị bệnh từ tháng 11-2008 đến nay, chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Triệu chứng của tôi như sau: cổ họng khó chịu, giống như có gì vướng víu làm ngứa họng, ho, dẫn đến thở khó, nói khó. Khi hít vào thì giống như có gì rơi xuống đường thở làm không hít vào tiếp được phải thở ra, khi nói giống như bị hụt hơi không nói tiếp được.. Tôi đã đi khám nhiều nơi, được chẩn đoán là viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm họng... nhưng các đơn thuốc đều không trị hết bệnh. Sau đó tôi được chẩn đoán là viêm amidan và được cắt amidan. Sau khi cắt amidan, các triệu chứng trên thuyên giảm rất nhiều. Tuy nhiên sau đó tiếp tục trở lại ngày càng nhiều hơn. Buổi tối ngủ không yên, có khi ngứa họng là ho, khó thở, không ngủ được, không nói được, phải nén ho và cố gắng thở. Hiện tại tôi thường hay bị nghẹt mũi, nhất là vào sáng sớm, trong ngày thì đỡ hơn, khi thì nghẹt bên trái khi thì bên phải, cổ họng khó chịu, nước bọt nhờn nhiều, tôi có cảm giác hơi thở hơi hôi. Quan sát trong cổ họng (phía sau lưỡi gà) tôi thấy có nhiều vệt trắng như vết loét. Buổi tối ngủ không đủ giấc, thường đến khoảng 4g sáng là tôi giật mình dậy. Bệnh làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, công việc và tinh thần tôi. Tôi hi vọng nhận được lời khuyên từ các bác sĩ. (Lê Ngọc Hải)

 Picture34

Tư vấn của bác sĩ

Anh Hải có thể hoàn toàn an tâm, các triệu chứng của anh hoàn toàn không phải là triệu chứng của ung thư vòm họng và anh cũng đã được nội soi tai mũi họng để chẩn đoán và loại trừ rồi.

Tình trạng bệnh của anh có thể tóm tắt như sau: hơn một năm nay cổ họng khó chịu, giống như có gì vướng víu trong cổ họng làm ngứa họng, ho, dẫn đến thở khó, nói khó. Khi hít vào thì giống như có gì rơi xuống đường thở làm không hít vào tiếp được phải thở ra, khi nói giống như bị hụt hơi không nói tiếp được. Anh đã được khám và chữa bệnh ở rất nhiều nơi với nhiều chẩn đoán: viêm họng, viêm amiđan mãn, viêm phế quản co thắt, trào ngược dịch vị. Hiện nay anh có thêm triệu chứng nghẹt mũi, hơi thở hôi và tinh thần rất lo lắng, suy sụp ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt.

Chúng ta có thể cùng nhau bàn luận về bệnh của anh đi từ triệu chứng ho, vì đây có lẽ là triệu chứng trung tâm làm anh khó chịu nhất. Với triệu chứng ho, theo thời gian người ta chia ra như sau: ho dưới ba tuần gọi là ho cấp tính, ho kéo dài kéo dài từ 3-6 tuần gọi là ho bán cấp, sau cùng ho kéo dài hơn tám tuần gọi là ho mãn tính. Trường hợp của anh được xem là ho mãn tính.

Nguyên nhân của ho mãn tính bao gồm sáu nhóm nguyên nhân chính như sau: thứ nhất là nhóm nguyên nhân do chảy mũi sau có thể do viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, viêm xoang mãn tính do vi trùng; nguyên nhân thứ nhì là do bệnh suyễn; nguyên nhân thứ ba là do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nguyên nhân thứ tư là do bệnh viêm phế quản mãn; nguyên nhân thứ năm là do sử dụng một số thuốc ức chế men chuyển trong điều trị cao huyết áp và nguyên nhân thứ sáu là viêm phế quản do bạch cầu ái toan (eosinophile).

Trên thực tế không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được nguyên nhân của bệnh một cách dễ dàng, đặc biệt là có nhiều trường hợp cùng một lúc có nhiều nguyên nhân gây bệnh trên cùng một bệnh nhân. Chúng ta lần lượt xem xét từng nhóm nguyên nhân có thể là nguyên nhân bệnh của anh.

Thứ nhất, ho do chảy mũi sau. Có hai triệu chứng có thể nghi ngờ anh có vấn đề về mũi xoang: anh có cảm nhận có cái gì rơi xuống cổ khi hít vào, hiện nay có hôi miệng. Tuy nhiên đây không phải là triệu chứng chắc chắn, anh cần khám lại tai mũi họng thật kỹ và chụp CT scan xoang để loại trừ hẳn nhóm nguyên nhân này.

Thứ nhì, ho do suyễn. Có yếu tố làm không nghĩ là anh có bệnh lý này: anh đã được đo chức năng hô hấp với kết quả bình thường. Tuy nhiên vẫn chưa có thể loại trừ hoàn toàn nguyên nhân này. Vì có thể anh có bệnh suyễn không điển hình.

Thứ ba, ho do trào ngược dạ dày thực quản. Anh hoàn toàn không có triệu chứng về dạ dày và trào ngược. Anh cũng đã uống thuốc để điều trị tình trạng này nhưng không giảm. Do vậy nhóm nguyên nhân này có thể ít được nghĩ đến.

Thứ tư, ho do viêm phế quản mãn. Theo định nghĩa, viêm phế quản mãn là tình trạng ho có đàm kéo dài hơn ba tháng và trong hai năm liên tiếp. Do vậy chúng tôi ít nghĩ là anh bị viêm phế quản mãn.

Thứ năm, ho do thuốc. Chúng ta có thể loại trừ hẳn nguyên nhân này. Vì anh không sử dụng một loại thuốc nào gây ho.

Thứ sáu, ho do viêm phế quản do bạch cầu ái toan. Để xác định chẩn đoán bệnh lý này anh cần được thử đàm để xem có hay không sự tăng cao của bạch cầu ái toan.

Như vậy có thể khu trú lại vấn đề của anh ở chuyên khoa tai mũi họng và hô hấp. Anh cần được các chuyên gia trong hai chuyên khoa này đánh giá lại một lần nữa và theo dõi điều trị thật sát sao mới có thể tìm ra cách điều trị đúng nhất.

Hiện nay điều quan trọng nhất là anh cần ăn uống thật đầy đủ, tập thể dục và giải trí hợp lý để giảm bớt căng thẳng lo lắng trước khi tìm ra cách điều trị chấm dứt bệnh lý này.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)