Bác sĩ Nguyễn Trương Khương: "Đừng tự cho phép mình dừng lại"

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương: "Đừng tự cho phép mình dừng lại"

 

Thứ Hai, 15/12/2014, 06:52 [GMT+7]

(GLO)- Nhiều người cho rằng, bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng thường “nhàn” hơn bác sĩ các chuyên khoa khác. Vậy nhưng, với bác sĩ Nguyễn Trương Khương-Bệnh viện Pháp Việt (TP. Hồ Chí Minh) thì “Không có một chuyên khoa nào là nhàn nhã cả, chuyên khoa nào cũng đòi hỏi người bác sĩ phải trau dồi kiến thức và kỹ năng suốt đời. Nếu nói nhàn nhã thì có nghĩa họ tự cho phép mình dừng lại ở một mức độ nào đó mà thôi”.


Sinh ra và lớn lên ở Pleiku, bác sĩ Nguyễn Trương Khương vui vẻ kể lại cơ duyên với nghề Y: “Ngày trước, tôi chỉ thích là kỹ sư cơ khí để chế tạo cái này cái kia, giống như thuở nhỏ hay làm súng bắn cò-ke, làm thuyền bằng lon sữa bò… Nhưng gia đình lại mong muốn mình học nghề y, vì nghề này có thể trực tiếp giúp được nhiều người”.

Bác sĩ của người… ngủ ngáy



Tròn 40 tuổi và có 15 năm kinh nghiệm với chuyên khoa Tai-Mũi-Họng tại TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Trương Khương được biết đến với nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng như: điều trị nhiễm trùng cổ sâu tại Bệnh viện Chợ Rẫy; điều trị viêm xương chũm cấp ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng… Nhưng “Điều trị ngưng thở khi ngủ bằng phẫu thuật” (tại Bệnh viện Pháp Việt) mới là đề tài được anh cho là thú vị và tâm đắc nhất, bởi đây là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam.

 

 Picture29

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương là cựu học sinh Trường THPT Pleiku, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh năm 1999; sau đó, anh thi đậu hệ bác sĩ nội trú Tai-Mũi-Họng (hệ học chuyên khoa đặc biệt của Bộ Y tế nhằm đào tạo những bác sĩ giỏi). Năm 2003, tốt nghiệp nội trú sau thời gian học tập và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Khương được mời về công tác tại Khoa Tai-Mũi-Họng Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau 5 năm làm việc tại đây, anh được mời về làm việc tại Khoa Tai-Mũi-Họng Bệnh viện Pháp Việt cho đến nay. Hiện anh là nghiên cứu sinh của Trường Đại học Y Hà Nội.

Bác sĩ Nguyễn Trương Khương (trái) và chuyên gia phẫu thuật Singapore.

Anh cho biết: Ngưng thở khi ngủ liên quan đến chứng ngủ ngáy, nhưng ngủ ngáy thường bị xem nhẹ do chưa được hiểu đúng. Bệnh chiếm tỷ lệ 4% ở nam, 2% ở nữ, thường gặp ở độ tuổi 40-70 tuổi. Trên thế giới bệnh này mới được điều trị từ những năm 1980 trở lại đây. Có 3 loại ngáy, trong đó loại đầu tiên là ngáy đơn thuần thì không cần điều trị. Loại thứ hai là ngáy kèm buồn ngủ vào ban ngày, nhức đầu vào buổi sáng, làm việc kém tập trung, người ngủ chung không thể chịu nổi (ở phương Tây nhiều cặp vợ chồng đã phải ly dị). Loại thứ ba là ngáy kèm ngưng thở khi ngủ với các triệu chứng nghiêm trọng như: ngủ không ngon giấc về ban đêm, buồn ngủ ban ngày, mất tập trung, dễ cáu gắt, theo thời gian còn có các biến chứng như cao huyết áp, tiểu đường, suy giảm sinh lý, bệnh lý mạch vành và có thể gây đột quỵ dẫn đến tử vong. Cả 2 loại ngáy này đều cần phải điều trị.

“Tôi vẫn còn nhớ, cách đây 4 năm, tôi gặp một bệnh nhân bị chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng vì điều kiện lúc đó chưa chữa được, 1 năm sau thì bệnh nhân đó chết vì đột quỵ. Điều này khiến tôi ray rứt mãi...”-bác sĩ Khương kể. Sau nhiều nỗ lực học hỏi, nghiên cứu từ các chuyến tu nghiệp và hội thảo nước ngoài, anh vẫn không thành công trong việc điều trị cho những bệnh nhân đầu tiên. Đầu năm 2014, với mong muốn “trị tận gốc” bệnh lý này, anh lại tự túc bay sang Singapore. Lần này không chỉ học lý thuyết mà anh còn được thực tập mổ xác. May mắn hơn, anh được bác sĩ Pang-chuyên gia phẫu thuật hàng đầu của Singapore-xem như học trò, đưa vào phòng mổ chứng kiến trực tiếp các ca mổ và truyền đạt thêm nhiều kinh nghiệm. Sau khi về nước, các ca phẫu thuật do anh tiến hành đã mang lại kết quả rất tốt, bệnh nhân tỏ ra vô cùng hài lòng, các đồng nghiệp cũng thừa nhận bước đầu thành công rõ rệt của anh.

“Muốn là một bác sĩ được nhiều người nhớ đến”

Sau nhiều năm lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, “người Gia Lai” Nguyễn Trương Khương đã có một gia đình nhỏ với ba đứa con thơ. “Vì vậy, mình hiểu rất rõ nỗi lo lắng của những người làm cha mẹ khi có con nhỏ bị bệnh”-anh chia sẻ. Có lẽ đó chính là điều làm nên thái độ ân cần, tận tình của bác sĩ Khương đối với bệnh nhân, đặc biệt là với các bệnh nhi trong quá trình điều trị.

Một ngày làm việc của bác sĩ Nguyễn Trương Khương thường kéo dài từ 8 giờ sáng đến tận 7 giờ tối. Rất bận rộn, nhưng anh vẫn dành thời gian cộng tác thường xuyên với Báo Tuổi Trẻ trong chuyên mục tư vấn sức khỏe; ngoài ra anh còn trả lời thắc mắc (miễn phí) cho bệnh nhân trên trang web www.bacsitaimuihong.com. “Khi viết báo, khi trả lời cho bệnh nhân cũng chính là mình đang học. Tôi làm việc này khi rảnh, như là một đam mê, vì mình muốn chia sẻ kiến thức với mọi người nên không thấy mệt”-anh hào hứng kể. Theo anh, chữ “Tâm” của người theo nghề Y cần được biểu hiện đúng qua hoạt động khám-chữa bệnh hàng ngày: Biết lắng nghe bệnh nhân, tìm hiểu mọi than phiền của bệnh nhân và học hỏi liên tục. “Đó là ba phẩm chất căn bản để trở thành một bác sĩ được nhiều người bệnh nhớ đến mình”. Nhìn nhận rằng phải học hỏi thêm nữa vì vẫn còn nhiều điều chưa thật sự tự tin và nắm vững, bác sĩ Nguyễn Trương Khương cho biết năm 2015 anh sẽ sang Hàn Quốc và Singapore để tiếp tục học thêm về phương pháp điều trị chứng ngủ ngáy.


“Bạn thấy đó: Không nhàn chút nào đúng không? Vì tôi luôn thấy mình chỉ mới bắt đầu mà thôi”-bác sĩ Nguyễn Trương Khương nhẹ nhàng chia sẻ về nghề.

Phương Duyên