Viêm tuyến mang tai tái phát ở thiếu niên

Viêm tuyến mang tai tái phát ở thiếu niên

 

Câu hỏi: Tôi có cháu năm nay được 10 tuổi. Từ hôm 6-9-2012 đến nay cháu bị sưng tuyến mang tai lần thứ 5 rồi, cứ sưng lên và khỏi nhưng chỉ ít ngày sau sưng lại. Tôi đã đưa cháu đi khám ở nhiều nơi nhưng chưa khỏi hẳn, đã siêu âm và cả xét nghiệm máu nữa nhưng bác sĩ (BS) chỉ nói bị viêm thôi.

Lần đầu cháu bị sưng thì uống Amoxilin và kháng viêm cũng chỉ khỏi được 5-7 ngày thì sưng lại. Lần hai tôi cho cháu đến bác sĩ tai mũi họng, cũng uống kháng sinh và cả kháng viêm 8 ngày nhưng đến ngày thứ 7 cháu đã đau lại.

Lần này tôi cho cháu đến khoa răng hàm mặt, ở đó BS nói rằng đây là một bệnh khó chữa và không nên dùng kháng sinh nữa, cứ để đó và quên đi cho nó tự khỏi.

BS có cho cháu siêu âm và xét nghiệm máu, nói rằng cho đến thời điểm này cháu biểu hiện lành tính không u, chỉ viêm. BS khuyên hè có thời gian sẽ cho cháu nhập viện và làm những xét nghiệm cần thiết. Từ hôm ở bệnh viện về cháu lại bị tiếp rồi và đã uống viên Zinnat và kháng viêm 5 ngày, cháu khỏi rất nhanh. Nhưng chỉ 20 ngày sau là hôm nay cháu lại sưng lên và lại đau, tôi cho cháu uống 1 gói paracetamon thì cháu đỡ đau.

Tôi lo lắng quá xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. Tất cả cháu đã siêu âm 3 lần rồi bác sĩ nói chỉ biểu hiện viêm thôi không sỏi, không u. (Lý)

Tư vấn của bác sĩ:

Chúng tôi xin chia sẻ với anh nỗi lo khi có con bị bệnh, đặc biệt là một bệnh khó điều trị.

Con của anh năm nay 10 tuổi, bị sưng tuyến mang tai tái phát nhiều lần, siêu âm nhiều lần không thấy sỏi, không thấy dịch mủ, đáp ứng tốt với kháng sinh kháng viêm nhưng sau đó tái phát khi ngưng thuốc.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là một bức tranh khá điển hình của bệnh viêm tuyến mang tai có tên khoa học đầy đủ là: Viêm tuyến mang tai tái phát ở tuổi thiếu niên.

Bệnh lý này được đặc trưng tái phát nhiều lần, có thể gặp ở độ tuổi từ 3 tháng đến 16 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi 7-10 tuổi, bệnh thường gặp ở nam hơn nữ.

Khi siêu âm sẽ không có hiện tượng mưng mủ hoặc có sỏi. Nếu không điều trị gì bệnh cũng có thể tự khỏi, nhưng rồi tái phát. Sau tuổi dậy thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không tái phát nữa.

Nguyên nhân của bệnh hiện nay vẫn chưa rõ ràng, mặc dù có nhiều yếu tố được được xem xét đến như miễn dịch, dị ứng, nhiễm trùng và di truyền. Nghiên cứu mô bệnh học cho thấy có nhiều tế bào lymphô, có khuynh hướng tạo thành nhiều ổ tế bào lymphô, với ống tuyến bị dãn.

Khi khám sẽ thấy lỗ đổ của tuyến mang tai mặt trong của má dãn rộng, có thể có đóng vảy vàng hoặc nước bọt chảy ra, tuyến mang tai sờ bên ngoài có mật độ chắc. Khi nội soi sẽ thấy ống tuyến chính sẽ có những đoạn dãn và hẹp, bên trong lòng các ống tuyến màu trắng, không có các mạch máu xung quanh.

Cách điều trị của bệnh hiện nay là kháng sinh, kháng viêm toàn thân, nếu có đầy đủ phương tiện có thể nội soi ống tuyến mang tai để nong, bơm rửa và bơm kháng viêm vào trong mô tuyến để làm giảm số lần tái phát. Hoặc không điều trị gì hết chỉ theo dõi nếu không có triệu chứng đau nhức.

Trường hợp con của anh chúng tôi nghĩ nên đưa cháu đến Viện Răng hàm mặt trung ương với hi vọng sẽ gặp được bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh lý này và được điều trị với máy móc hiện đại hơn như máy nội soi tuyến mang tai nếu có.

Mong anh không nên quá lo lắng và sớm tìm ra cách chữa bệnh phù hợp cho cháu.

Chúc sức khỏe.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)