Bệnh về tai

Bệnh về tai

Tai có tiếng kêu

 

TTO - Tôi bị viêm tai giữa, thủng màng nhĩ nhưng bác sĩ bảo không phải vá tai. BS cho thuốc uống, nhưng mỗi tối ngủ tôi cảm giác như có sâu róm trong tai. Mỗi lần nuốt nước bọt đều có tiếng kêu rẹc rẹc, không biết có sao không? Và có thể điều trị mất tiếng kêu đó không? Tôi có nên nhỏ thuốc ILEFFXIME 0,3% nữa không, tôi thấy có khuyến cáo không nên nhỏ thuốc quá 4 tuần. Tôi đã không nhỏ thuốc gần năm nay rồi, xin sự tư vấn của bác sĩ.

Tư vấn của bác sĩ

Trong trường hợp bình thường tai giữa của chúng ta được bảo vệ bởi một màng nhĩ nguyên vẹn. Trong trường hợp màng nhĩ bị thủng, thông thường sẽ đưa đến hai hậu quả là sức nghe kém và nhiễm trùng tái phát.

Tuy nhiên ở một số bệnh nhân bị thủng nhĩ hai hậu quả này không đáng kể, do vậy cũng có thể không cần đến phẫu thuật, đặc biệt là ở những bệnh nhân lớn tuổi.

Trường hợp cụ thể của bạn, tiếng kêu rẹc rẹc khi nuốt có thể là tiếng kêu sinh ra do chuyển động của vòi nhĩ khi nuốt, đây không phải là bệnh lý nên không cần phải điều trị.

Trong những đợt nhiễm trùng bạn có thể dùng thuốc kháng sinh nhỏ tai theo toa bác sĩ đã cho, nhưng lưu ý là không nên sử dụng quá một tuần, khi sử dụng kéo dài nên tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG

(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Thủng màng nhĩ do ngoáy tai không đúng cách

 

TTO - Khoảng một năm nay, hai tai em bị nhiều ráy giống như tế bào chết bám vào. Khoảng hai tuần không lấy ra có thể bị tịt lỗ tai. Sức nghe vẫn tốt, không đau và ngứa gì cả.

Em đi khám ở phòng khám thì phát hiện bị thủng màng nhĩ cả hai tai. Hiện tại sức khỏe và sức nghe vẫn bình thường. Vậy em xin hỏi bác sĩ để lâu có ảnh hưởng gì không và cần điều trị như thế nào và ở đâu, chi phí là khoảng bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

 Picture15

 

Ngoáy tai đúng cách

Ngoáy tai đúng cách là... không được tự ngoáy tai.

Khi tắm xong chúng ta chỉ nên dùng khăn lau nhẹ bên ngoài ta.

Đối với những người cơ địa nhiều ráy tai, nên đến bác sĩ kiểm tra và chăm sóc tai 3-6 tháng/lần.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG

 Màng nhĩ

- Màng nhĩ có ba lớp, lớp biểu bì bên ngoài, lớp xơ ở giữa và lớp niêm mạc trong cùng, màng nhĩ ngăn tai ngoài và tai giữa, có chức năng dẫn truyền âm thanh và bảo vệ tai giữa khỏi nhiễm trùng từ bên ngoài.

Khi thủng nhĩ, tùy theo kích thước lỗ thủng khác nhau, bệnh nhân có mức độ giảm thính lực khác nhau. Trường hợp của bạn có thể thủng nhĩ do chấn thương vì lấy ráy tai, bạn nên theo dõi 2-3 tháng, nếu màng nhĩ không tự lành nên đến bác sĩ tai mũi họng để vá lại. Vì lý do bạn còn rất trẻ, bạn cần bảo vệ tai tích cực để sử dụng cho quãng đời nhiều năm còn lại.

Chi phí một ca mổ dao dộng từ 10-20 triệu đồng cho mỗi tai tùy từng nơi khác nhau. Địa chỉ đáng tin cậy là các khoa tai mũi họng trong các bệnh viện lớn có uy tín.

* Em có đứa cháu 20 tháng tuổi bị thủng màng nhĩ, cho em hỏi màng nhĩ cháu có thể lành lại được không?

Màng nhĩ có chức năng rung để dẫn truyền âm thanh và bảo vệ tai giữa khỏi nhiễm trùng. Màng nhĩ rất mỏng, do vậy rất dễ bị thủng, có thể do nhiễm trùng như viêm tai giữa hoặc chấn thương vì ngoáy tai không đúng cách.

Tuy nhiên màng nhĩ cũng có khả năng tự lành, nếu thủng do nhiễm trùng thì sau khi điều trị hết nhiễm trùng màng nhĩ sẽ tự lành lại sau vài tuần, nếu thủng do chấn thương, lỗ thủng rộng, thời gian lành lại sẽ lâu hơn, thường có thể sau 6-8 tuần. Quan trọng nhất là cần gìn giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh nhiễm trùng trong giai đoạn này, đây là điều kiện cần và đủ để màng nhĩ lành sớm.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(khoa tai mũi họng Bệnh viện FV TP.HCM)

Viêm tuyến mang tai tái phát ở thiếu niên

 

Câu hỏi: Tôi có cháu năm nay được 10 tuổi. Từ hôm 6-9-2012 đến nay cháu bị sưng tuyến mang tai lần thứ 5 rồi, cứ sưng lên và khỏi nhưng chỉ ít ngày sau sưng lại. Tôi đã đưa cháu đi khám ở nhiều nơi nhưng chưa khỏi hẳn, đã siêu âm và cả xét nghiệm máu nữa nhưng bác sĩ (BS) chỉ nói bị viêm thôi.

Lần đầu cháu bị sưng thì uống Amoxilin và kháng viêm cũng chỉ khỏi được 5-7 ngày thì sưng lại. Lần hai tôi cho cháu đến bác sĩ tai mũi họng, cũng uống kháng sinh và cả kháng viêm 8 ngày nhưng đến ngày thứ 7 cháu đã đau lại.

Lần này tôi cho cháu đến khoa răng hàm mặt, ở đó BS nói rằng đây là một bệnh khó chữa và không nên dùng kháng sinh nữa, cứ để đó và quên đi cho nó tự khỏi.

BS có cho cháu siêu âm và xét nghiệm máu, nói rằng cho đến thời điểm này cháu biểu hiện lành tính không u, chỉ viêm. BS khuyên hè có thời gian sẽ cho cháu nhập viện và làm những xét nghiệm cần thiết. Từ hôm ở bệnh viện về cháu lại bị tiếp rồi và đã uống viên Zinnat và kháng viêm 5 ngày, cháu khỏi rất nhanh. Nhưng chỉ 20 ngày sau là hôm nay cháu lại sưng lên và lại đau, tôi cho cháu uống 1 gói paracetamon thì cháu đỡ đau.

Tôi lo lắng quá xin bác sĩ cho tôi lời khuyên. Tất cả cháu đã siêu âm 3 lần rồi bác sĩ nói chỉ biểu hiện viêm thôi không sỏi, không u. (Lý)

Tư vấn của bác sĩ:

Chúng tôi xin chia sẻ với anh nỗi lo khi có con bị bệnh, đặc biệt là một bệnh khó điều trị.

Con của anh năm nay 10 tuổi, bị sưng tuyến mang tai tái phát nhiều lần, siêu âm nhiều lần không thấy sỏi, không thấy dịch mủ, đáp ứng tốt với kháng sinh kháng viêm nhưng sau đó tái phát khi ngưng thuốc.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây là một bức tranh khá điển hình của bệnh viêm tuyến mang tai có tên khoa học đầy đủ là: Viêm tuyến mang tai tái phát ở tuổi thiếu niên.

Bệnh lý này được đặc trưng tái phát nhiều lần, có thể gặp ở độ tuổi từ 3 tháng đến 16 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi 7-10 tuổi, bệnh thường gặp ở nam hơn nữ.

Khi siêu âm sẽ không có hiện tượng mưng mủ hoặc có sỏi. Nếu không điều trị gì bệnh cũng có thể tự khỏi, nhưng rồi tái phát. Sau tuổi dậy thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không tái phát nữa.

Nguyên nhân của bệnh hiện nay vẫn chưa rõ ràng, mặc dù có nhiều yếu tố được được xem xét đến như miễn dịch, dị ứng, nhiễm trùng và di truyền. Nghiên cứu mô bệnh học cho thấy có nhiều tế bào lymphô, có khuynh hướng tạo thành nhiều ổ tế bào lymphô, với ống tuyến bị dãn.

Khi khám sẽ thấy lỗ đổ của tuyến mang tai mặt trong của má dãn rộng, có thể có đóng vảy vàng hoặc nước bọt chảy ra, tuyến mang tai sờ bên ngoài có mật độ chắc. Khi nội soi sẽ thấy ống tuyến chính sẽ có những đoạn dãn và hẹp, bên trong lòng các ống tuyến màu trắng, không có các mạch máu xung quanh.

Cách điều trị của bệnh hiện nay là kháng sinh, kháng viêm toàn thân, nếu có đầy đủ phương tiện có thể nội soi ống tuyến mang tai để nong, bơm rửa và bơm kháng viêm vào trong mô tuyến để làm giảm số lần tái phát. Hoặc không điều trị gì hết chỉ theo dõi nếu không có triệu chứng đau nhức.

Trường hợp con của anh chúng tôi nghĩ nên đưa cháu đến Viện Răng hàm mặt trung ương với hi vọng sẽ gặp được bác sĩ có kinh nghiệm về bệnh lý này và được điều trị với máy móc hiện đại hơn như máy nội soi tuyến mang tai nếu có.

Mong anh không nên quá lo lắng và sớm tìm ra cách chữa bệnh phù hợp cho cháu.

Chúc sức khỏe.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Màng nhĩ lành, sức nghe có hồi phục?

 

Màng nhĩ thủng và đã lành nhưng sức nghe vẫn còn yếu, tại sao? Muốn biết sức nghe yếu hay mạnh cần phải làm gì?

Bạn đọc Minh Xuân thắc mắc: Em 25 tuổi, bị thủng màng nhĩ nhỏ cách nay khoảng 5 năm, sức nghe giảm nhiều, gần đây em đi khám lại và nội soi tai thì màng nhĩ đã bình thường và không còn bị viêm giữa nữa. Cho EM hỏi sức nghe của tai có cải thiện được không hay ngày càng giảm? Có cách nào khắc phục?

 

 Picture4

 

Tư vấn của bác sĩ 

Để đảm bảo cho sức nghe bình thường, các cơ quan tai ngoài, tai giữa và tai trong phải hoàn toàn bình thường.

Tai ngoài bao gồm vành tai và ống tai. Có chức năng đón nhận âm thanh để đưa âm thanh vào màng nhĩ.

Tai giữa bao gồm màng nhĩ, chuỗi xương con gồm xương búa, xương đe, xương bàn đạp và vòi nhĩ là ống nối từ khoang tai giữa đến vòm mũi họng.

Âm thanh sẽ làm rung màng nhĩ và sẽ được dẫn truyền qua chuỗi xương con. Vòi nhĩ giữ cho áp lực trong tai giữa cân bằng với bên ngoài để dẫn truyền âm thanh được hiệu quả tối ưu.

Tai trong bao gồm nội dịch trong mê nhĩ và các tế bào thính giác. Khi âm thanh truyền qua các xương con đến cửa sổ bầu dục của tai trong làm cho nội dịch chuyển động, kích thích các tế bào thính giác sinh ra những xung động thần kinh truyền về vỏ não bằng dây thần kinh thính giác giúp chúng ta nghe và hiểu được âm thanh.

Bất cứ trục trặc nào trong các khâu trên đều có thể đưa đến nghe kém.

Trường hợp của bạn bị thủng nhĩ, dĩ nhiên việc dẫn truyền âm thanh sẽ giảm nên nghe kém, nay màng nhĩ đã lành rồi, muốn biết chức năng nghe có tốt không hay vẫn còn giảm nhiều do trục trặc ở các khâu khác thì nên đo thính lực mới có thể biết được.

Khi chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây nghe kém mới có thể có phương thức điều trị tương xứng hiệu quả.

Chúc bạn khỏe.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(khoa tai mũi họng Bệnh viện FV TP.HCM)