Bệnh về tai

Bệnh về tai

Đau ngứa tai trái

itchy earGần đây (khoảng 2 tuần) nay tôi cảm thấy đau (đau ngứa) ở trong tai trái, kèm theo đau nửa đầu trái, nhất là đau tai rất khó chịu. Trước đây khoảng 1 năm tôi cũng bị nhưng một thời gian lại khỏi. Tôi đã đi khám tai mũi họng cách đây khoảng 5 ngày, BS kết luận: tai trái có xung huyết, màng nhĩ hai bên kém sáng, viêm họng mạn tính, vòm họng nhẵn (trongtin).

- Theo lời anh mô tả thì các triệu chứng của anh đau ngứa tai bên trái và kèm theo đau đầu trái. Như vậy khám kiểm tra tai trái là bước đầu tiên phải làm, bện cạnh đó soi kiểm tra vòm họng và mũi xoang cũng rất cần thiết để có chẩn đoán chính xác và tránh bỏ sót.

Kết quả nội soi tai mũi họng của anh phát hiện có viêm tai ngoài bên trái là rất phù hợp, có thể giải thích được các triệu chứng, vòm mũi họng và mũi xoang bình thường.

Như vậy anh nên tiếp tục tuân thủ điều trị theo toa bác sĩ đã cho và tái khám lại cho đến khi khỏi hẳn bệnh.

Trong thời gian này ngoài thuốc nhỏ tai bác sĩ đã kê toa, anh không nên ngoáy tai hoặc đưa bất cứ vật gì kể cả bông gòn ngoáy tai, vì có thể sẽ làm bệnh của anh nặng thêm do chấn thương ống tai hoặc nhiễm trùng.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG

Phân biệt viêm tai giữa và viêm ống tai ngoài

Tôi năm nay 34 tuổi, hồi bé từng bị viêm tai giữa phía bên phải. Sau này thỉnh thoảng tôi có bị đau tai nhẹ, sau đều tự hết. Tôi có một thói quen là thường ngoáy tai bằng bông ngoáy tai.

Cách đây khoảng một tháng tôi thấy đau tai và giảm thính lực nhẹ, sau đau lan xung quanh hàm và hốc mắt, có biểu hiện ngạt mũi nhẹ, hạch dưới góc hàm đau nhẹ nhưng không sưng to. Không ho, không chảy nước mũi, nuốt không thấy nghẹn, tai không chảy nước.

Tôi đã đi khám bác sĩ chuyên khoa về tai - mũi - họng và được kết luận: hốc mũi, vách ngăn mũi bình thường, họng không có khối u. Bác sĩ kết luận viêm tai thanh dịch và được kê đơn thuốc điều trị. Nhưng đến nay hơn một tháng mà bệnh không thuyên giảm, các triệu chứng trên vẫn còn.

Vậy xin hỏi bệnh của tôi là gì? Hiện nay tôi rất lo vì bệnh không thuyên giảm và bị đau nên ảnh hưởng đến cuộc sống. Có phải tôi không bị gì như kết luận của BS không? Hay là viêm tai ngoài hoặc nặng hơn là tôi bị u mũ hoặc u vòm họng (ác tính hoặc lành tính).

Nguyen Luong Ngoc

Bạn không nên quá lo lắng vì đã được bác sĩ tai mũi họng khám, vì vậy các tình trạng nguy hiểm như ung thư vòm mũi họng, hoặc những bệnh lý nguy hiểm khác đã chắc chắn được loại trừ.

Nếu bạn bị viêm ống tai ngoài thì khi kéo vành tai hoặc nằm đè lên bên tai bệnh sẽ có cảm giác đau. Và tình trạng đau tai có thể lan ra xung quanh đôi khi làm bạn đau cả nửa đầu phía bên tai bệnh. Tình trạng này rất dễ dàng chẩn đoán, vì khi khám bác sĩ sẽ thấy da ống tai sưng đỏ đôi khi bít cả lỗ tai ngoài, hoặc một mụt nhọt trong da ống tai ngoài nếu có trong trường hợp nhọt ống tai. Bệnh thường khỏi sau 3 - 5 ngày điều trị kháng sinh, kháng viêm và giảm đau đúng cách.

Nếu bạn bị viêm tai giữa thanh dịch, hoặc bị tắc vòi nhĩ thì thường là cảm giác đau sâu trong tai, không đau khi kéo hoặc ấn vào vành tai, để chẩn đoán chính xác sau khi nội soi kỹ mũi, vòm mũi họng và hai tai bạn cần được đo nhĩ lượng đồ và thính lực đồ. Việc điều trị khó khăn hơn, đôi khi kéo dài hàng tháng, nếu sau 3-6 tháng mà sức nghe không cải thiện, các xét nghiệm gián tiếp chứng minh vẫn còn dịch trong tai giữa thì bệnh nhân cần được đặt một ống thông nhĩ để giúp cân bằng áp lực của tai giữa và bên ngoài giúp tai giữa mau chóng hết dịch và sức nghe hồi phục.

Bạn nên đi khám và theo dõi với bác sĩ tai mũi họng, lý tưởng nhất ở những cơ sở y tế có đầy đủ máy nội soi TMH, máy đo nhĩ lượng đồ và phòng đo thính lực.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG

Viêm tai giữa kéo dài, làm sao chữa?

Tôi năm nay 31 tuổi, đang sống tại Ba Lan. Tôi bị bệnh viêm tai giữa từ hồi nhỏ đến giờ vẫn chưa khỏi. Do bệnh từ nhỏ và có những giai đoạn điều trị chưa đúng cách nên tôi đã bị thủng màng nhĩ. Bác sĩ nói bị thủng một lỗ nhỏ và muốn khỏi hẳn phải phẫu thuật. Nếu phẫu thuật một lần mà khỏi hẳn thì tôi sẽ cố gắng về VN để điều trị. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

(Ninh Văn Huy)

- Tình trạng bệnh lý của anh rất thường gặp ở nhiều bệnh nhân. Đó là chảy mủ tai lúc còn nhỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau, sau đó điều trị không đúng cách nên dần trở thành viêm tai giữa mãn tính có màng nhĩ thủng gây nhiều trở ngại trong sinh hoạt và học tập, cũng như giảm phần nào sức nghe của tai.

Đối với loại bệnh lý này thông thường có hai thể bệnh như sau: Thể thứ nhất mủ tai có mùi thối, phim CT scan tai có khối cholesteatome ăn mòn xương, trước hết cần phải phẫu thuật lấy đi khối cholesteatome hủy xương này, sau đó mới phẫu thuật vá nhĩ lại được. Cả hai phẫu thuật này có thể làm chung một lúc hay tách ra hai lần khác nhau tùy thuộc từng trường hợp cụ thể. Thể bệnh thứ hai mủ tai không có mùi thối, phim CT scan tai không có cholesteatome hủy xương thì phẫu thuật vá nhĩ có thể chữa lành bệnh dứt điểm.

Để thực hiện tốt phẫu thuật vá nhĩ anh cần phải được điều trị cho tai thật khô, lý tưởng là phải khô ít nhất 3-6 tháng trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên sau phẫu thuật anh cần được theo dõi và chăm sóc hằng tuần trong tháng đầu và mỗi tháng một lần trong ít nhất ba tháng tiếp theo.

Hiện nay, tỉ lệ thành công của phẫu thuật này ở VN cũng như các nước trên thế giới khoảng 80-90%. Nếu lần thứ nhất thất bại có thể anh sẽ phải phẫu thuật lại lần nữa.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG

Bệnh xốp xơ tai

Bệnh xốp xơ tai là tình trạng phát triển bất thường xương trong tai giữa gây ra nghe kém.

Cụ thể là xơ hóa đế của xương bàn đạp, dính chặt vào cửa sổ bầu dục làm giảm sự dẫn truyền âm thanh từ tai giữa vào trong tai trong nên bệnh nhân nghe kém.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh hiện nay chưa rõ ràng. Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho rằng bệnh mang tính chất gia đình và có thể di truyền. Các nghiên cứu cũng cho thấy bệnh thường xảy ra ở người da trắng, phụ nữ trung niên, phụ nữ có thai hoặc kết hợp với tình trạng nhiễm siêu vi như bệnh sởi.

Triệu chứng

Triệu chứng chính của bệnh xốp xơ tai là nghe kém, với tính chất là nghe kém tăng dần.

Ngoài ra bệnh cũng có thể có triệu chứng chóng mặt, mất thăng bằng và ù tai.

Điều trị

Đa số trường hợp bệnh được điều trị thành công bằng phẫu thuật. Xương bàn đạp của bệnh nhân sẽ được thay thế bằng một xương bàn đạp nhân tạo để tái lập sự dẫn truyền âm thanh từ chuỗi xương con vào tai trong.

Một số trường hợp khác cũng có thể sử dụng máy trợ thính như những trường hợp tái phát sau phẫu thuật hoặc phẫu thuật thất bại.

Các biến chứng của phẫu thuật bao gồm:

Nghe kém tăng thêm ( khỏang 1%)

Thay đổi tạm thời hoặc mất vị giác

Thủng màng nhĩ

Chóng mặt

Tổn thương chuỗi xương con

Liệt mặt tạm thời

Ù tai.