Bệnh về tai

Bệnh về tai

Viêm tai ngoài lành tính

 

TTO - Cháu năm nay 17 tuổi, rất hay đi bơi và chưa từng bị viêm tai. Tuy nhiên , 1 tuần trước thì tai rất đau, đỏ, chạm vào vành tai và khu vực xung quanh tai cũng đau, ống tai sưng to và bít kín lỗ tai, hàm cứng , khó mở miệng và rất đau khi nhai hay ngáp. Sau khi đi bác sĩ và điều trị bằng kháng sinh cũng như thuốc nhỏ tai sau 3 ngày thì tai hết đau,sưng, nhưng lại chảy ra nước vàng, đôi lúc còn hòa cùng máu, mặt không còn sưng, miệng cũng mở lớn trở lại bình thường. Cháu được biết viêm tai ngoài và viêm tai ngoài ác tính có biểu hiện khá giống nhau nên người bệnh thường chủ quan và không biết mình bị nặng, cháu rất hoang mang và lo lắng vì biết viêm tai ngoài ác tính có thể dẫn đến liệt dây thần kinh, tử vong... liệu cháu có phải đã bị viêm tai ngoài ác tính không, nhất là khi tai có máu chảy ra hòa cùng dịch? (Nguyen Tung Duong)

 Picture32

Tư vấn của bác sĩ

Đúng như bạn nói, triệu chứng của viêm ống tai ngoài và viêm tai ngoài ác tính có biểu hiện khá giống nhau, tuy nhiên trong trường hợp cụ thể của bạn thì đây là bệnh lần đầu, các triệu chứng xảy ra cấp tính, tức là mới xảy ra và mức độ các triệu chứng rất nặng, đồng thời tình trạng này đáp ứng rất tốt với điều trị nội khoa, mặc dù hiện nay chưa hết hoàn toàn, có thể do chưa đủ liều điều trị. Đây là bức tranh của một bệnh lành tính.

Trong khi đó bệnh lý viêm tai ngoài ác tính thường nằm trong bệnh cảnh tái đi tái lại hoặc kéo dài bất chấp điều trị nội khoa tích cực ,khi khám sẽ có tổn thương sùi loét ở ống tai ngoài. Để chẩn đoán xác định cần phải sinh thiết để làm giải phẫu bệnh lý.

Bạn đang được theo dõi và điều trị với bác sĩ chuyên khoa, nên không nên quá lo lắng. Bạn nên tái khám với bác sĩ của bạn và sử dụng thêm thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh sẽ khỏi trong 5-7 ngày nữa.

*Nhờ bác tư vấn giúp em về việc như sau: Em có con nhỏ, cháu được 27 tháng tuổi, thấy cháu sốt (dao động từ 38độ đến 39độ) liên tục 3 ngày, dẫn bé đi khám ở phòng khám thì bác sĩ bảo bé bị "viêm họng + viêm hạch hàm T" , cho bé uống paracetamon hạ sốt và bodurox, mà bé vẫn sốt và mệt mỏi, không nhai cơm được, không biết nên điều trị như thế nào? Bác sĩ bảo viêm hạch tới mấy tháng mới hết, mong được tư vấn của bác sĩ. Xin cảm ơn nhiều. (Huong Nguyen)

- Rất có thể cháu đang bị viêm họng cấp do vi trùng vì cháu có 3 triệu chứng điển hình là sốt, đau họng và sưng hạch dưới hàm. Cách điều trị là sử dụng kháng sinh, kháng viêm và giảm đau hạ sốt, trong trường hợp thông thường các triệu chứng sẽ giảm hẳn sau 24-48 giờ và thời gian điều trị khoảng 5-7 ngày. Sau khi hết sốt, hết đau họng cháu sẽ ăn, bú lại được bình thường và hạch sẽ nhỏ lại.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Màng nhĩ thủng để lâu có vá được không?

 

TTO - * Tôi ở Bình Định. Năm nay tôi 32 tuổi, bị thủng màng nhĩ cách đây khoảng 20 năm, khả năng nghe giảm không nhiều lắm nhưng khổ nỗi tai luôn có mủ, lúc ít thì không sao, khi nhiều chảy ra ngoài rất bất tiện và ngứa. Xin hỏi bác sĩ, trường hợp của tôi để lâu có biến chứng gì không? Hiện nay vá màng nhĩ thì ở bệnh viện nào là tốt nhất, thời gian nằm viện và chi phí như thế nào. Xin cho hỏi thêm hiện nay có vá màng nhĩ bằng phương pháp nội soi không? (Bạn đọc)

* Tôi năm nay 37 tuổi, cách đây 15 ngày bị cây đâm vào lỗ tai gây thủng màng nhĩ. Xin hỏi BS, bị thủng màng nhĩ để lâu có thể vá lại được không? Ở TP. HCM nơi nào có thể vá màng nhĩ được và chi phí khoảng bao nhiêu? (Phan Minh Lân)

Tư vấn của bác sĩ

Ở những người bình thường, màng nhĩ là 1 màng kín ngăn cách giữa tai ngoài và tai giữa, có chức năng bảo vệ tai giữa và dẫn truyền âm thanh. Khi màng nhĩ bị thủng do viêm tai giữa hoặc do chấn thương sẽ làm cho sức nghe giảm và tai giữa rất dễ bị nhiễm trùng.

Ở một số người khi thủng màng nhĩ để lâu ngày sẽ có biến chứng là lớp biểu bì ở tai ngoài bò vào tai giữa tạo ra bệnh lý Cholesteatoma ở tai giữa, lớp Cholesteatoma này sẽ ăn mòn và phá hủy chuỗi xương con làm giảm sức nghe nghiêm trọng  hoặc có thể ăn mòn và phá hủy xương chũm gây ra viêm màng não hoặc áp xe não rất nguy hiểm.

Vì vậy khi thủng màng nhĩ điều quan trọng cần làm là giữ vệ sinh tai bị bệnh thật tốt để tránh nhiễm trùng tai giữa, sau đó nên phẫu thuật để vá màng nhĩ lại.

Sau khi bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng thăm khám kỹ và điều trị cho tai thật khô sẽ tiến hành phẫu thuật vá nhĩ, các trường hợp thủng màng nhĩ do viêm tai giữa mạn tính (kéo dài hơn 3 tháng) hoặc do chấn thương đều có thể vá lại không phụ thuộc vào thời gian thủng trước đó bao lâu. Phẫu thuật vá nhĩ có thể thực hiện theo các phương pháp cổ điển qua các đường rạch da sau tai, đường rạch da trong ống tai hoặc bằng kỹ thuật nội soi tùy từng trường hợp.

Bạn có thể vá nhĩ ở khoa Tai Mũi Họng của các bệnh viện lớn, còn giá cả và thời gian nằm viện thì còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Th.s, BS TMH NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (BV Nhi đồng 1)

Lỗ thủng tai tự lành khi nào?

 

TTO - Tôi bị một quả bóng đập vào tai và thủng màng nhĩ. Tôi rất lo lắng không biết phải làm thế nào để bảo vệ cũng như khắc phục sự cố này. Tôi năm nay 21 tuổi. Liệu tôi có khả năng phục hồi? Đi khám có bác sĩ bảo rằng ở tuổi tôi màng nhĩ có thể tự lành. Xin hỏi khả năng đó khoảng bao nhiêu %? (Le Viet Anh)

Tư vấn của bác sĩ

Các trường hợp chấn thương do thủng nhĩ có thể tự lành với điều kiện lỗ thủng trên màng nhĩ nhỏ và ít mất chất. Tùy trường hợp cụ thể rất cần sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa và vệ sinh kỹ lưỡng đề phòng nhiễm trùng thêm vào.

Khó biết được chính xác tỉ lệ tự lành tự nhiên của các trường hợp thủng nhĩ do chấn thương vì tiến trình tự lành của màng nhĩ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: cơ địa bệnh nhân, tình trạng lỗ thủng, tình trạng mũi họng và nhiễm trùng tại chỗ của ống tai, tai giữa cũng như là các cơ quan liên quan trực tiếp như mũi họng. Tình trạng của bạn cần nội soi tai chụp hình màng nhĩ và sau 2-3 tháng sẽ nội soi lại.

* Con gái em giờ đã 3 tuổi nhưng trước đây khi cháu gần 1 tuổi thì bị viêm tai có chảy mủ. Thời gian đó hai mẹ con đến trạm y tế khám và bác sĩ cho uống thuốc, sau đó hết chảy mủ. Sau đó em không đi kiểm tra lại. Gần đây đọc báo thấy nói chảy mủ là thủng nhĩ và có thể tự lành. Em không biết làm thế nào để biết nhĩ của cháu có lành hay không. Xin hỏi nếu em cho cháu đi khám thì khám ở đâu và khám như thế nào? (Tran Dung) 

- Viêm tai giữa cấp chảy mủ là bệnh lý không phải hiếm gặp ở trẻ em. Nếu điều trị phù hợp bệnh sẽ khỏi và màng nhĩ lành trở lại. Trong một số trường hợp không điều trị, hoặc điều trị không đúng cách hay bị tái đi tái lại nhiều lần lỗ thủng sẽ tồn tại và không lành được. Trường hợp con của bạn nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, chỉ cần với chiếc đèn soi tai bác sĩ có thể trả lời chắc chắn tình trạng màng nhĩ của con bạn.

* Tôi bị bệnh viêm đa xoang mãn tính. Tôi đã dùng thuốc tây một thời gian bệnh có dấu hiệu giảm nhưng sau đó ngưng dùng thuốc bệnh lại tái phát. Tôi cũng đã đi chọc xoang nhưng không thấy hiệu quả rõ rệt. Bệnh ngày càng nặng mà tôi chưa có những tư vấn đầy đủ để chữa trị hiệu quả. Rất mong hướng dẫn của bác sĩ để chữa khỏi. Xin cảm ơn. (Tran Tien Tran) 

- Bệnh lý của anh rất cần được nội soi và chụp phim CTscan để đánh giá tình trạng và mức độ viêm mũi xoang mãn tính. Qua đó mới có thể có cách điều trị thích hợp. Có thể chỉ cần điều trị nội khoa hoặc kết hợp thêm phẫu thuật mới có thể cho kết quả như ý. Việc chọc xoang chỉ có thể làm giảm tạm thời tình trạng viêm xoang hàm chứ không thể giải quyết được bệnh chấm dứt theo cơ chế bệnh sinh. Và sẽ không thể chữa trị được tình trạng viêm xoang sàng hoặc xoang trán và xoang bướm nếu có.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

 

Có người nghe tiếng đàn bà rõ hơn tiếng đàn ông

 

TTO - Nghe kém là mối phiền toái rất lớn trong cuộc sống. Nghe kém có rất nhiều nguyên nhân. 

 

 Picture20

Có những nguyên nhân có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật, có những nguyên nhân không chữa được bệnh nhân phải đeo máy trợ thính suốt đời. 

Một trong những nguyên nhân nghe kém là do bệnh xốp xơ tai, một bệnh lý có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật thay xương bàn đạp trong tai giữa.

Để dẫn truyền âm thanh từ ống tai ngoài vào tai trong rồi đi lên vỏ não để chúng ta có thể nghe và hiểu, trong tai giữa chúng ta có ba xương nhỏ nối với nhau thành một trục theo thứ tự từ ngoài vào trong là xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Xương bàn đạp có hai trụ và một đế dính vào cửa sổ bầu dục của tai trong.

Bệnh xốp xơ tai là tình trạng xơ hóa của đế xương bàn đạp, làm xương bàn đạp dính chặc vào cửa sổ bầu dục của tai trong. Do vậy sẽ làm giảm sự dẫn truyền âm thanh từ tai giữa vào tai trong nên bệnh nhân nghe kém.

Nguyên nhân của bệnh hiện nay chưa rõ ràng. Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho rằng bệnh mang tính chất gia đình và có thể di truyền. Các nghiên cứu cũng cho thấy bệnh thường xảy ra ở người da trắng, bệnh gặp ở nữ gấp hai lần ở nam, đặc biệt phụ nữ trung niên, phụ nữ có thai hoặc kết hợp với tình trạng nhiễm siêu vi như bệnh sởi.

Triệu chứng chính của bệnh xốp xơ tai là nghe kém, với tính chất là nghe kém tăng dần. Có thể nghe kém ở 1 tai và cũng có thể nghe kém cả hai tai. Một số bệnh nhân có thể có hiện tượng nghe rõ hơn nơi ồn ào đông người, nghe tiếng đàn bà trẻ con rõ hơn tiếng đàn ông. Khi đo thính lực, giai đoạn đầu thính lực đồ có dạng nghe kém dẫn truyền, khi bệnh tiến triển lâu, tổn thương lan vào tai trong thính lực đồ có thể có dạng nghe kém tiếp nhận hoặc hỗn hợp.

Bệnh nhân cũng có thể có triệu chứng ù tai ở 1 hoặc hai bên, tính chất tiếng ù rất đa dạng, lúc tiếng trầm, lúc tiếng cao. Triệu chứng này có thể là nguyên nhân dẫn bệnh nhân đến khám bệnh.

Ngoài ra bệnh cũng có thể có triệu chứng chóng mặt và mất thăng bằng. Bệnh hoàn toàn không có biểu hiện đau tai, chảy dịch tai.

Đa số trường hợp bệnh được điều trị thành công bằng phẫu thuật, đặc biệt trong giai đoạn tổn thương còn khu trú ở đế xương bàn đạp và của sổ bầu dục. Sau khi màng nhĩ được vén lên, xương bàn đạp của bệnh nhân sẽ được lấy ra và sau đó thay thế bằng một xương bàn đạp nhân tạo thường làm bằng titanium để tái lập sự dẫn truyền âm thanh từ chuỗi xương con vào tai trong. Với một bác sĩ phẩu thuật tai có kinh nghiệm, phẫu thuật chỉ kéo dài khoảng 20 phút, bệnh nhân hoàn toàn không có đau đớn hay mất máu sau mổ.

Các biến chứng của phẫu thuật bao gồm: Nghe kém tăng thêm (khoảng 1%), thay đổi tạm thời hoặc mất vị giác, thủng màng nhĩ, chóng mặt, tổn thương chuỗi xương con, liệt mặt tạm thời, ù tai.

Một số trường hợp khác cũng có thể sử dụng máy trợ thính như những trường hợp tái phát sau phẫu thuật hoặc phẫu thuật thất bại.

 

Th.S Bác sĩ NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - BV FV TP.HCM