Bệnh về mũi

Bệnh về mũi

Phòng ngừa bệnh viêm mũi xoang

 

TT - Bệnh viêm mũi xoang rất thường gặp, nhất là với cư dân ở các khu vực ô nhiễm. Căn bệnh không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân, mà còn gây tốn kém kinh tế do người bệnh điều trị nội khoa kéo dài, đôi khi phải phẫu thuật.

Phòng ngừa và điều trị viêm mũi xoang bằng rửa mũi

 Picture13

Một số người nhạy cảm với chất sát trùng trong nước hồ bơi nên dễ bị viêm xoang - Ảnh: Minh Đức

Để giảm gánh nặng này, phòng bệnh được xem là phương pháp dễ thực hiện và ít tốn kém. Những yếu tố sau đây cần lưu ý trong phòng ngừa bệnh viêm mũi xoang.

Cần tránh:

* Tránh hít luồng không khí lạnh, khô: Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ, hoặc khi ngồi làm việc. Máy lạnh nên để 27-28 độ là phù hợp. Những trường hợp thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm vì đây là những thời điểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.

* Tránh khói thuốc lá và không khí ô nhiễm: Khói thuốc lá, khói, bụi, các chất hóa học đều là những yếu tố kích thích có hại cho chức năng lông chuyển của mũi xoang. Nên có khẩu trang khi làm việc trong môi trường ô nhiễm. Nếu gia đình có người mắc bệnh viêm xoang, đặc biệt là trẻ em, thì người lớn khi hút thuốc nên ra khỏi phòng của trẻ. Người có thói quen hút thuốc nếu bị viêm xoang tốt nhất nên bỏ hẳn hút thuốc.

* Tránh đi máy bay khi bị nhiễm siêu vi: Khi nhiễm siêu vi, niêm mạc mũi xoang bị phù nề, các lỗ thông xoang có thể bị tắc một phần hoặc hoàn toàn. Do đó lúc máy bay cất cánh, hạ cánh sẽ có sự thay đổi đột ngột áp suất ở bên ngoài các xoang. Vì các lỗ thông xoang bị tắc nên mất cân bằng áp suất bên trong xoang và bên ngoài, làm nhức đầu đột ngột dữ dội, niêm mạc xoang chảy máu gây viêm xoang do chấn thương áp lực.

* Tránh bơi hồ bơi: Ở một số người, đặc biệt trẻ em, niêm mạc mũi xoang nhạy cảm với chất chlorine có trong thuốc sát trùng nước hồ bơi, rất dễ bị viêm mũi xoang khi đi tắm hồ bơi.

* Tránh stress: Khi làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng, trong đó mũi xoang dễ bị nhiễm nhất vì là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể.

* Tránh uống rượu bia quá nhiều: Rượu, đặc biệt là bia, làm niêm mạc mũi xoang phù nề, do vậy rất dễ đưa đến bệnh viêm xoang.

Cần làm:

* Chăm sóc tốt cơ thể khi nhiễm siêu vi: Trong khoảng 80-90% trường hợp nhiễm siêu vi, dân gian thường gọi chung là cảm, bệnh nhân sẽ bị ho, sổ mũi, đau họng, đau nhức cơ khắp cơ thể và sốt, các triệu chứng này thường tự khỏi sau 5-10 ngày. Nhưng cũng có những bệnh nhân các triệu chứng này không thuyên giảm mà chuyển thành viêm mũi xoang cấp. Để phòng ngừa viêm mũi xoang khi bị nhiễm siêu vi nên nhỏ thuốc co mạch mũi, duy trì sự thông thoáng của mũi xoang, uống nước nhiều, dinh dưỡng tốt, giữ ấm và tránh bụi bẩn.

* Điều trị tích cực viêm mũi dị ứng: Người bị viêm mũi dị ứng thường có các triệu chứng hắt xì, chảy mũi, ngứa mũi và nghẹt mũi khi tiếp xúc với dị nguyên, các triệu chứng này có thể quanh năm hoặc theo mùa. Khi đó niêm mạc mũi xoang bị phù nề, tiết dịch, nếu không điều trị tích cực sẽ dẫn đến viêm xoang do bội nhiễm vi khuẩn từ môi trường. Muốn phòng bệnh tốt nhất nên tránh tiếp xúc với dị nguyên đã biết, rửa mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày, khám và sử dụng các loại thuốc chống dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

* Làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục thường xuyên: Sự điều tiết các hoạt động làm việc và thể dục đúng mực giúp hệ miễn dịch cơ thể mạnh mẽ, các cơ quan hoạt động điều hòa, cơ thể khỏe mạnh về mọi mặt, trong đó có sự hoạt động của mũi xoang.

* Chích ngừa cúm hằng năm: Việc chích ngừa cúm làm giảm đáng kể số lần bị bệnh, do vậy được xem là biện pháp rất có hiệu quả trong phòng ngừa viêm mũi xoang.

* Rửa tay sạch nhiều lần trong ngày: Vi khuẩn, virút có mặt khắp mọi nơi, đặc biệt trong những mùa dịch cúm. Việc rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc với các vật dụng chung hoặc khi bắt tay người khác có vai trò cực kỳ quan trọng trong phòng ngừa viêm mũi xoang, đặc biệt ở trẻ em.

* Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh: Nước giúp làm loãng niêm dịch nên sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh sự ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn. Trái cây và rau xanh cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa và vitamin, giúp hệ miễn dịch của cơ thể mạnh hơn trong phòng chống nhiễm trùng.

BS Nguyễn Trương Khương(Bệnh viện FV TP.HCM)

BS Nguyễn Trương Khương tư vấn bệnh viêm mũi dị ứng

 

Picture1Th.s, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - Ảnh: MINH ĐỨC

 

TTO - Chương trình tư vấn chuyên đề "Bệnh viêm mũi xoang ở người lớn" đã nhận được hàng trăm câu hỏi gửi đến Th.s, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG- Khoa Tai mũi họng BV FV TP.HCM.

Đầu tiên xin gửi đến bạn đọc tư vấn của BS về bệnh viêm mũi dị ứng.

* Viêm mũi dị ứng là gì? Hắt xì liên tục, chảy mũi khi thay đổi thời tiết, ở phòng máy lạnh, gặp bụi bặm hoặc nước hoa, mỹ phẩm...có phải là viêm mũi dị ứng không? Nguyên nhân của bệnh? Cách chữa bệnh? Bệnh có thể chữa dứt điểm không? Có thể tự điều trị được không? Cách phòng ngừa?

(Câu hỏi của các bạn đọc Nguyễn Nhật Khánh Nguyễn Minh Tuấn, Trần Khánh Minh, Trần Bình, Trần Quốc Duy, Vũ Thị Hòa, Quang Linh, Nam Nguyen, Nguyễn Đức Giang, Thuan Nguyen, Đà, Tran Chau Nguyen, Uyên Trâm, Tran Thi Cam Nhung, Ngoc Hau, Nguyễn Thành Luân, Nông Thu Hương, Le Thuy Huong, Võ Thị Sơn Trà, Lê Phương Thảo, Lê Hoàng Nguyên, Phạm Thị Kim Khoa, Trần Nguyên Việt, Đinh Như Thuần, Trần Thiện Nhân, Thanh Tâm, Bảo Châu, Phong, Lê Phương Thảo....)

- Th.s, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG tư vấn:

Bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh lý di truyền miễn dịch. Người ta nhận thấy khoảng 20% trẻ có một trong hai bố hoặc mẹ có bệnh viêm mũi dị ứng sẽ bị viêm mũi dị ứng và 47% trẻ có cả bố và mẹ bị bệnh viêm mũi dị ứng sẽ bị viêm mũi dị ứng.

Khi người bệnh tiếp xúc với một số dị nguyên, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản xuất ra một kháng thể gọi là IgE. IgE này gắn kết với một số tế bào đặc biệt ở niêm mạc mũi và dị nguyên làm các tế bào này phóng thích một số chất hóa học trung gian vào niêm mạc mũi gây ra các triệu chứng của bệnh.

Các dị nguyên thường gặp là: bụi bặm, phấn hoa, cây cỏ, nấm mốc, lông thú, chất tiết của côn trùng, khói thuốc lá, các loại mỹ phẩm và hóa chất...

Dị nguyên cũng có thể là các loại thực phẩm như tôm cua, sữa, trứng gà. Hoặc dị nguyên cũng có thể là các loại vi khuẩn, vi rút.

Thông thường, trong một số trường hợp bệnh nhân có thể phát hiện được mình dị ứng với dị nguyên nào. Những trường hợp khác phải cần có những xét nghiệm đặc biệt mới có thể phát hiện được.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác như thời tiết thay đổi đột ngột: quá nóng, quá lạnh; môi trường ô nhiễm là các yếu tố làm cho bệnh viêm mũi dị ứng dễ xuất hiện hơn. Hoặc những bất thường về cấu trúc giải phẫu như vẹo vách ngăn, mào, gai vách ngăn là những yếu tố góp phần làm bệnh nặng hơn.

Bệnh viêm mũi dị ứng thường biểu hiện bằng bốn triệu chứng chính như sau:

- Thứ nhất là triệu chứng hắc xì (nhảy mũi ), bệnh nhân có thể có hắc xì từ một vài cái hoặc có thể hắc xì một tràng vài chục cái, sau hắc xì thường thấy nhức đầu hoặc mệt mỏi.

- Thứ nhì là triệu chứng sổ mũi (chảy mũi ), thông thường là chảy mũi nước trong, chảy rất tự nhiên khó cầm lại được, số lượng rất nhiều hay đôi khi chỉ khụt khịt, có trường hợp chảy ra sau họng (gọi là chảy mũi sau) làm cho bệnh nhân phải khạc nhổ hoặc tằng hắng, ho.

Trong trường hợp có nhiễm trùng nước mũi trở nên đặc, hôi có màu vàng hoặc xanh.

- Thứ ba là triệu chứng nghẹt mũi, có thể nghẹt luân phiên một bên hoặc nghẹt cả hai bên, triệu chứng đặc biệt tăng lên khi ở trong phòng có máy lạnh hoặc máy quạt. Khi nghẹt hai bênh nhiều sẽ gây nhức đầu.

- Sau cùng là triệu chứng ngứa mũi, ngứa rất khó chịu, phải đưa tay dụi mũi, hoặc có thể ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa trong họng hoặc vòm họng.

Ngoài ra bệnh cũng có thể biểu hiện ở một số cơ quan lân cận khác như: phù mí mắt, có vòng sẫm màu quanh mắt; cảm giác đầy tai, viêm tai giữa do làm phù nề và tắc vòi nhĩ; hoặc khàn tiếng do phù nề dây thanh âm.

Trong một số trường hợp viêm mũi dị ứng có bệnh suyễn đi kèm, khi triệu chứng viêm mũi dị ứng xuất hiện có thể kéo theo lên cơn suyễn, bệnh nhân có khò khè, ho nhiều, khó thở đặc biệt là vào ban đêm.

Để chẩn đoán xác định bệnh cần xác định được chất gây dị ứng là tác nhân gây bệnh qua test phản ứng da dương tính với các dị nguyên. Tuy nhiên, vì số lượng dị nguyên rất nhiều nên trong thực tế nước ta ít có cơ sở y tế nào đầy đủ các test dị nguyên để thực hiện phản ứng.

Do vậy, hiện nay chẩn đoán bệnh viêm mũi dị ứng là chẩn đoán lâm sàng, thầy thuốc dựa trên bệnh sử, diễn tiến của bệnh và các dấu hiệu lâm sàng gián tiếp của bệnh.

Cách điều trị viêm mũi dị ứng lý tưởng nhất là tránh tiếp xúc với dị nguyên như thay đổi nơi ở, nơi làm việc, hoặc tránh nuôi vật nuôi, và tránh một số thực phẩm. Nhưng trong thực tế điều này không thể thực hiện được do không xác định được dị nguyên hoặc không tránh được dị nguyên, chẳng hạn như dị ứng với con mạt bụi nhà.

Cách điều trị lý tưởng thứ hai là phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu hay còn gọi là miễn dịch liệu pháp, phương pháp này được sử dụng khi biết rõ được dị nguyên nhưng không loại bỏ được dị nguyên, người ta thực hiện bằng cách đưa dị nguyên vào cơ thể với liều lượng tăng dần từ thấp đến cao để làm cho cơ thể thích nghi với dị nguyên đó nên các triệu chứng không xuất hiện nữa hoặc xuất hiện rất nhẹ.

Để điều trị thành công cần phải mất thời gian từ 3-5 năm, đồng thời phải sử dụng kết hợp với các thuốc kích thích miễn dịch. Hiện nay trong điều kiện nước ta, vì nhiều lý do cách điều trị này cũng chưa thực hiện được.

Cách điều trị thứ ba là cách điều trị dùng thuốc, cách điều trị này được phổ biến rộng rãi nhất hiện nay, mục tiêu của điều trị là làm giảm nhẹ các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, chứ không thể điều trị bệnh một cách dứt điểm.

Các thuốc bao gồm: thuốc kháng histamin, thuốc co mạch, và thuốc corticoid. Mỗi loại đều có dạng uống hoặc dạng xịt tác dụng tại chổ. Tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân phối hợp các loại thuốc này để đạt hiệu quả điều trị cao nhất và ít tác dụng phụ nhất.

Như vậy trong tình hình nước ta hiện nay, bệnh viêm mũi dị ứng là một bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Cách phòng bệnh tốt nhất là tự tạo cho chính mình một môi trường vệ sinh phù hợp, giảm tối đa tiếp xúc với dị nguyên.

Đồng thời phải có chế độ dinh dưỡng thật tốt, chế độ tập luyện thể dục thể thao tích cực để nâng cao tính thích nghi của cơ thể khi điều kiện môi trường thay đổi bất lợi. Và khi bệnh đã khởi phát nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có cách sử dụng thuốc phù hợp, tránh tự ý điều trị dễ đưa đến lờn thuốc hoặc bị các tác dụng phụ của thuốc.

* Tôi bị viêm mũi dị ứng (thường xuyên sổ mũi kèm hắt hơi khi hít phải mùi lạ, thời tiết lạnh) cách đây 35 năm. Xin bác sĩ cho biết cách phòng và điều trị.(Nguyễn Thị Thanh Hải)

- Cách phòng và điều trị viêm mũi dị ứng lý tưởng là tránh tiếp xúc với dị nguyên đã biết, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được.

Cách điều trị bằng thuốc bao gồm: thuốc kháng histamine uống, thuốc kháng histamine xịt mũi, thuốc corticoid xịt mũi, thuốc corticoid uống, hoặc các liệu pháp miễn dịch kháng nguyên, phải được bác sĩ thăm khám cụ thể và kê toa cho từng mức độ nặng nhẹ của bệnh và tùy vào đáp ứng của mỗi bệnh nhân.

* Tôi được chẩn đoán là viêm mũi dị ứng. Thời tiết thay đổi là hay bị nghẹt mũi, sổ mũi.

Tôi thấy quảng cáo trên tivi, thuốc rhinidol có thể trị dứt các triệu chứng viêm mũi, viêm xoang. Bác sĩ đánh giá như thế nào về khả năng điều trị của thuốc? Nếu dùng thuốc lâu dài có tác dụng phụ gì không?(Tien Pham)

- Bệnh lý viêm mũi xoang có rất nhiều thể bệnh khác nhau, mỗi thể bệnh tương ứng với một nguyên nhân và cơ chế sinh lý bệnh, mặc dù các thể bệnh này có thể có triệu chứng rất giống nhau. Vì thế việc điều trị phải tương ứng với từng nhóm nguyên nhân. Nên không có thể có một loại thuốc mà có thể chữa dứt các triệu chứng của viêm mũi xoang.

Ví dụ viêm mũi xoang mạn tính do bất thường cấu trúc mũi xoang như vẹo vách ngăn,, cuống mũi giữa phì đại trướng khí… thì việc điều trị thích hợp là phẫu thuật. Trong khi đó, viêm mũi xoang mạn tính do dị ứng thì chỉ cần điều trị nội khoa là đủ, tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc điều trị nội khoa thể bệnh này chỉ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống chứ không thể chữa dứt điểm bệnh được.

* Tôi bị bệnh viêm mũi dị ứng đã lâu (theo kết luận của BS) đã uống rất nhiều loại thuốc nhưng đến nay vẫn thường xuyên chảy nước mũi, ngẹt mũi. Xin hỏi BS là bệnh này có chữa khỏi không? Ở nước ta thì bệnh viện nào chữa bệnh này tốt nhất, nếu tôi thấy chảy nước mũi là ra tiệm thuốc mua về uống về lâu dài có ảnh hưởng sức khoẻ không? (Phạm Văn Nam)

- Trong điều kiện y khoa của nước ta hiện nay, bệnh viêm mũi dị ứng chưa thể được chữa dứt điểm hoàn toàn.

Anh nên đi khám bác sĩ để được theo dõi và điều trị đúng cách nhằm cải thiện triệu chứng của bệnh để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc tự ý sử dụng thuốc, chắc chắn không phải là cách điều trị tốt nhất vì dễ đưa đến lờn thuốc, và chịu các tác dụng phụ của thuốc như buồn ngủ, khô miệng, nhức đầu, men gan cao, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, nóng nảy…

* Em bị viêm mũi từ nhỏ, bị ho và viêm họng nhưng không nặng lắm, cách đây 4 năm em có đi cắt amiđan theo tư vấn của BS. Nhưng sau đó thì bệnh viêm mũi-xoang của em càng nặng hơn. Nếu em ăn hoặc uống được bất cứ đồ lạnh hoặc hơi lạnh nào sẽ bị rát họng, chảy nước mũi xuống họng và nổi hạt ở họng ngay. Em cũng rất dễ bị lây cảm cúm nếu tiếp xúc với người bị cảm. Em có đi khám thì được chẩn đoán bị viêm mũi dị ứng. Em rất muốn được chữa khỏi bệnh và mong nhận được sự tư vấn của bác sỹ. (Đoàn Liên)

- Việc điều trị cắt amiđan của em chỉ có thể làm hết viêm amiđan và giảm tần suất viêm họng, hoàn toàn không có tác động đến vấn đề viêm mũi xoang của em. Bệnh viêm mũi xoang của em nặng hơn có thể có nhiều yếu tố tác động như môi trường, chế độ làm việc, ăn uống, sức khỏe chung của cơ thể.

Em có thể tự phòng bệnh bằng cách rửa mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày, cữ các thức ăn uống lạnh. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn, rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.

Em cũng nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân của tình trạng viêm họng, nổi hạt ở họng và tình trạng chảy nước mũi xuống họng, từ đó mới có thể có cách điều trị phù hợp dứt điểm.

* Tôi thường hay bị ngẹt mũi, sổ mũi sau mỗi khi đi gặp trời mưa, ngủ máy lạnh hay uống bia. Xin hỏi BS trong trường hợp như thế nên dùng thuốc gì?(Phạm Anh Tuấn)

- Nghẹt mũi, chảy mũi khi gặp thời tiết thay đổi, ngủ máy lạnh hay uống nước có đá lạnh là triệu chứng của bệnh lý viêm mũi vận mạch.

Bệnh lý này gây ra do sự mất cân bằng của hệ thần kinh đảm nhận chức năng điều hòa co dãn của các mạch máu trong niêm mạc mũi dẫn đến dãn mạch chiếm ưu thế, gây phù nề niêm mạc và tiết dịch mũi.

Cách điều trị tốt nhất là tránh các tác nhân khởi phát bệnh như sự thay đổi đột ngột nhiệt độ: nóng quá, hoặc lạnh quá; những ô nhiễm trong môi trường như khói thuốc lá, hóa chất hoặc những kích thích tâm lý như: căng thẳng , lo âu và mệt mỏi.

Trong trường hợp cụ thể của anh Tuấn, có thể sử dụng thuốc kháng histamine để làm giảm chảy mũi và đỡ một phần nghẹt mũi.

* Tôi bị viêm mũi dị ứng khoảng 2 năm trước và đã chữa dứt. Hiện tại, tôi đang mang thai ở tháng thứ 5 và bị viêm mũi dị ứng trở lại, triệu chứng như sau: ban đầu bị chảy nước mũi - không bị nghẹt mũi, 1 ngày sau đó nước mũi đặc lại và có màu trắng, đôi lúc lại màu xanh, xịt mũi rất khó, nước mũi như keo dính vậy và nghẹt mũi. Tôi nên dùng thuốc như thế nào để không ảnh hưởng đến thai nhi của mình? Hiện tại, tôi không dám sử dụng bất kỳ thuốc gì, chỉ dùng dầu bôi cho đỡ nghẹt mũi, nhưng tác dụng chỉ tạm thời. Kính mong bác sĩ hướng dẫn cách chữa trị. Nguyen Kim Sang

- Trong thai kỳ, do lượng oestrogen (hormon sinh dục nữ ) tăng cao làm gia tăng các tuyến mũi và mạch máu niêm mạc mũi. Vì vậy trên người có cơ địa viêm mũi dị ứng như chị các triệu chứng rất dễ tăng lên. Hiện chị đã có thai tháng thứ 5, việc sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng sẽ không có nguy cơ ảnh hưởng cho thai. Tuy nhiên, thận trọng và có một giải pháp điều trị phù hợp là rất cần thiết.

Trước hết chị có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước biển (Stérimar, Physiomer, Xisat ) rửa mũi hàng ngày 1-2 lần để làm giảm dịch nhầy mũi và giảm nghẹt mũi. Nếu sau 5 đến 7 ngày bệnh không thuyên giảm chị nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám kỹ vì có thể có bội nhiễm do vi trùng. Nếu không, bác sĩ sẽ lựa chọn cho chị các loại thuốc giảm nghẹt mũi và chảy mũi phù hợp.

* Tôi bị viêm sổ mũi ngay mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với bụi bặm và gió quạt. Tôi còn bị chứng nhức đầu khá thường xuyên khiến không thể tập trung, đặc biệt khi cần tập trung suy nghĩ. Hiện nay tôi làm việc trong môi trường có điều hòa, hiện tượng nhức đầu trở nên thường xuyên hơn. Xin hỏi bác sĩ có phương pháp nào cải thiện triệu chứng trên?. Cũng xin được hỏi liệu tôi có thể bơi lội được không vì trước đây có một số bác sĩ đã khuyên tôi không nên bơi lội. (Quang Lê)

- Trong những trường hợp viêm mũi dị ứng diễn tiến lâu ngày đồng thời xuất hiện triệu chứng đau đầu ngày càng nhiều rất có thể bệnh đã có biến chứng viêm xoang hoặc polyp mũi.

Do vậy bạn nên đi chụp một phim CT để đánh giá tình trạng của các xoang, từ đó mới có thể chẩn đoán chính xác và có cách điều trị phù hợp.

Bơi lội rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên trong tình huống hiện nay bạn không nên bơi ở hồ bơi do triệu chứng dị ứng của bạn có thể bị nặng hơn hoặc bị bội nhiễm bởi những nơi nước không đảm bảo vệ sinh.

*Tôi năm nay 31 tuổi,cách đây 1,5 tháng tôi bị hắt hơi liên tục vào buổi sáng và chiều tối, nước mũi chảy ngược vào miệng. Tôi đi khám BS bảo viêm mũi dị ứng và viêm họng cấp. Tôi dùng theo đơn thuốc cho đến hết thuốc (1 tuần) nhưng không hết bệnh. Từ đó đến nay tôi đã đổi 3 đơn thuốc nhưng không khỏi. Hiện tại không hắt hơi nhưng có nhiều đờm đặc trong mũi và chảy vào miệng. Tôi xin bác sĩ cho biết bệnh mũi của tôi là bệnh gì? Có thể khỏi được không? (Lê Xuân Vững)

- Rất có thể trường hợp của bạn đã có sự bội nhiễm trở thành bệnh viêm mũi xoang do vi trùng. Đồng thời tình huống bạn tiếp xúc với nấm mốc là một yếu tố nguy cơ cho bệnh lý viêm mũi xoang do nấm cũng rất cần được quan tâm. Do vậy bạn nên tái khám lại với bác sĩ để đánh giá lại chẩn đoán và có kế hoạch theo dõi, điều trị phù hợp.

* Em bị viêm mũi dị ứng đã 4 năm rồi, em cũng đó dùng thuốc xịt mũi, gần đây nhất có đi khám và chụp CT, BS nói bị dày Poly, theo toa của BS em uống thuốc 10 ngày nhưng đến nay bệnh vẫn không hề thuyên giảm, mỗi khi thời tiết thay đổi hay đi ngoài đường nhiều là mũi bị ngứa, nhỉ nước, và hắt hơi liên tục, nếu nặng thí bị đau đầu. vậy xin hỏi BS có cách nào điều trị nhanh bệnh này không, địa chỉ điều trị ở đâu? Có thể tự điều trị ở nhà được không? (Nguyễn Quang Đông)

- Trong các trường hợp viêm mũi dị ứng có polyp mũi hoặc dày niêm mạc mũi xoang việc điều trị thường kéo dài tối thiểu từ 3 đến 6 tháng. Do vậy tốt nhất bạn nên kiên trì điều trị và theo dõi với BS TMH

* Tôi bị dị ứng mũi gần 20 năm nay, đã chữa nhiều cách, hiện mỗi khi sắp nghẹt mũi hắt hơi, sổ mũi tôi lại xịt mỗi bên mũi một lần thuốc Rhinocor Aqua, khoảng nửa giờ sau là hết. Hiện mặt tôi hay bị ngứa, nhất là khi có mồ hôi mặt. Xin hỏi sử dụng lâu dài Rhinocor aqua có hại không, hại như thế nào? Có thuốc nào thay thế luôn phiên để tránh tác dụng phụ? Cảm ơn bác sĩ. (Cao thế ngọc)

- Rhinocort Aqua nói riêng và các loại corticoid xịt mũi khác nói chung là các thuốc kháng viêm tại chổ điều trị bệnh viêm mũi dị ứng rất hiệu quả và có rất ít tác dụng phụ toàn thân. Tuy nhiên khi sử dụng quá lâu có thể gây teo niêm mạc mũi, thủng vách ngăn hoặc viêm mũi xoang do nấm. Trong những trường hợp hợp nhẹ bạn có thể sử dụng mỗi 2-3 tuần và luân phiên với thuốc kháng histamine uống.

* Tôi năm nay 29 tuổi. Hầu như ngày nào tôi cũng chảy nước mũi (không nhiều nhưng ngày nào cũng có). Gần đây tôi có cảm giác hôi thối, lúc nào cũng có đờm ở trong cổ họng. Xin bác sĩ cho biết cách chữa trị và cách giữ cho mũi luôn khỏe. (Đỗ Thái Dương)

- Trường hợp của bạn bệnh diễn tiến từ chảy nước mũi trong chuyển sang có mùi hôi và có đàm trong họng, cho thấy rất có thể bạn đó bị nhiễm trùng. Do vậy bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám kỹ và kê toa phù hợp.

Để giữ mũi luôn khỏe, mỗi tối trước khi đi ngủ bạn nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Cách thực hiện: mua nước muối sinh lý chai loại 500ml tại các tiệm thuốc Tây, đứng trước bồn rửa mặt, nghiêng mặt qua một bên, dùng nước muối đổ vào lổ mũi ở phía trên cho đến khi nước muối chảy ra ở lỗ mũi phía bên kia phía bên dưới, sau đó bạn nghiêng mặt qua phía bên kia và làm tương tự. Khi thực hiện rửa mũi như vậy, nước muối sẽ chảy qua 2 hố mũi và các xoang rửa sạch niêm mạc mũi xoang.

* Tôi bị viêm mũi từ nhỏ, dịch mũi tiết trong tiết ra suốt ngày, mũi bị nghẹt một bên. Thi thoảng lại bị viêm nặng có mũi đặc. Tôi đã đi khám và được kết luận là viêm mũi và cơ địa dị ứng. Đã từng mổ 1 lần và cắt polyp laser 1 lần nhưng hiện nay vẫn không được cải thiện.

Xin BS tư vấn giúp tôi phải làm gÌ để giảm bớt các triệu chứng chảy nước mũi và ngạt mũi? (Phạm Minh Hải)

- Trường hợp của anh Hải rất cần chụp lại một phim CT để đánh giá lại có hay không polyp tái phát và tình trạng viêm mũi xoang mạn tính này đang ở mức độ nào, để từ đó có cách điều trị thích hợp.

Hiện tại, anh có thể rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc nước biển để làm sạch mũi, một phần nào giảm chảy mũi và nghẹt mũi.

 

TTO thực hiện

Nhiều cách điều trị cuống mũi dưới phì đại

 

Bạn đọc tên Sơn hỏi: "Tôi đã được mổ tại Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM để chỉnh hình vách ngăn và cắt polyp mũi, bẻ cuống dưới hai bên nhưng triệu chứng nghẹt mũi vẫn còn thường xuyên và quanh năm. Mỗi lần nghẹt, nhìn vào mũi thấy cục sưng đỏ che lại. Vậy bây giờ chữa trị như thế nào? Tôi nghe nói có phương pháp đốt Coblation rất hiệu quả để điều trị chứng phì đại cuống mũi dưới, bác sĩ thấy phương pháp đó thế nào và ở bệnh viện nào đã có phương pháp đó? Hiện tôi đang ở Quảng Trị, gần TP Huế".

 Picture5

Tư vấn của bác sĩ:

Hiện  có nhiều phương pháp làm giảm kích thước cuống mũi dưới bị phì đại. Vấn đề nghẹt mũi của bạn nên được đánh giá lại kỹ lưỡng để xác định rõ nghẹt mũi này do polyp mũi tái phát, vì bệnh lý polyp mũi có tỉ lệ tái phát rất cao sau phẫu thuật hay do phì đại cuống mũi dưới hai bên.

Nếu bạn bị nghẹt mũi do phì cuống mũi dưới mà không cải thiện với các biện pháp điều trị nội khoa như rửa nước muối, xịt corticoid thì điều trị can thiệp làm nhỏ kích thước cuốn mũi dưới là cần thiết để giảm triệu chứng nghẹt mũi.

Hiện có nhiều phương pháp làm giảm kích thước của cuống mũi dưới như chích corticoid, đốt cuốn mũi bằng radiofrequency, coblator và cắt bán phần cuốn mũi dưới.

Mỗi một phương pháp đều có những điểm ưu và khuyết điểm khác nhau.

Phương pháp cắt bán phần cuống mũi dưới tỏ ra có hiệu quả về lâu dài tốt hơn các phương pháp còn lại, tuy nhiên có nhược điểm là đóng vảy trong giai đoạn hậu phẫu 1-2 tuần và có biến chứng chảy máu sau phẫu thuật, chi phí cao, phải nằm viện.

Các phương pháp chích corticoid vào cuống mũi và đốt cuống mũi được thực hiện nhanh, chi phí thấp, không cần nằm viện, giai đoạn hậu phẫu nhẹ nhàng nhưng rất dễ tái phát, thường tái phát sau vài tháng hoặc một vài năm tùy theo mỗi trường hợp cụ thể. Hầu hết bệnh viện lớn đều có đủ phương tiện để thực hiện các phương pháp này.

Bạn nên bàn bạc với bác sĩ tai mũi họng của bạn để tìm phương pháp điều trị phù hợp.

Chúc bạn mau hết bệnh.

 

ThS-BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(khoa tai mũi họng Bệnh viện FV TP.HCM)

Viêm mũi xoang, khi nào cần phẫu thuật?

 

Hàng ngày, tại phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, có hơn 50% số bệnh nhân đi khám vì bệnh lý mũi xoang. Nhiều người  ngay từ đầu đã yêu cầu bác sĩ phẫu thuật để chấm dứt bệnh vì những ảnh hưởng dai dẳng. 

Tuy nhiên, nhiều trường hợp lại bị BS từ chối phẫu thuật và chỉ đề nghị phương pháp điều trị nội khoa tích cực. Trong khi đó cũng không ít bệnh nhân được bác sĩ tư vấn nên phẫu thuật thì lại lo lắng sợ hãi không dám phẫu thuật vì nghĩ rằng có mổ cũng không hết bệnh để rồi cứ thế ôm bệnh chịu đựng khổ sở.

Viêm mũi xoang là gì?

Ở người lớn , có bốn cặp xoang: hai xoang hàm ngay dưới hai gò má, hai xoang trán trên hai cung mày, hai xoang sàng ngay giữa hai cung mày chạy thẳng ra phía sau cho đến trung tâm hộp sọ là hai xoang bướm. Mũi xoang có nhiều chức năng, trong đó hai chức năng quan trọng là lọc và làm ấm không khí trước khi đi vào phổi. Viêm mũi xoang là viêm lớp niêm mạc lót bên trong lòng xoang và hố mũi.

Dựa vào diễn tiến thời gian, viêm mũi xoang được chia thành hai loại là viêm mũi xoang cấp tính có thời gian diễn tiến dưới 3 tháng, và viêm mũi xoang mạn tính có thời gian diễn tiến trên 3 tháng. Trong viêm mũi xoang mạn tính còn có viêm mũi xoang tái phát, tức viêm mũi xoang kéo dài không quá một tháng rồi hết, nhưng lại tái phát sau đó.

Đợt cấp của viêm mũi xoang mạn tính này diễn ra trên nền các triệu chứng cũ của viêm mũi xoang chưa dứt hẳn, và nay lại xuất hiện thêm triệu chứng mới nặng hơn do nhiễm vi trùng.

Viêm mũi xoang có 4 triệu chứng chính: chảy mũi, nghẹt mũi, đau các vùng xoang và giảm hoặc mất mùi.

Khi khám nội soi mũi, có thể sẽ thấy niêm mạc mũi phù nề, hoặc mủ chảy ra từ khe giữa, khe trên hoặc có polyp mũi. Trên hình ảnh phim cắt lớp mũi xoang, thường được gọi là CT xoang, sẽ có hình ảnh niêm mạc phù nề, hoặc tắc lổ thông xoang hoặc có dịch trong lòng một hoặc nhiều xoang.

Viêm mũi xoang cấp thường do vi rút và vi khuẩn.

Khi bị nhiễm siêu vi (vi rút), triệu chứng thông thường là ho sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau cơ và sốt. Lúc này niêm mạc mũi xoang sẽ bị viêm phù nề, tiết dịch làm tắc các lỗ thông mũi xoang. Đây là tình trạng viêm mũi xoang cấp do vi rút.

Trong trường hợp này, chỉ cần điều trị đơn giản như nhỏ thuốc thông mũi xoang, rửa mũi, uống thuốc long đàm, giảm đau, kháng viêm, sau đó triệu chứng sẽ thuyên giảm trong vòng 7-14 ngày.

Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ khoảng 10 -15% trường hợp bệnh kéo dài hơn, đồng thời các triệu chứng của viêm xoang trở nên nặng hơn. Đó là do bội nhiễm vi khuẩn, lúc này bệnh nhân cần điều trị tích cực bằng kháng sinh, thời gian có thể kéo dài 2 đến 4 tuần, tùy theo từng trường hợp.

Viêm mũi xoang mạn thường do dị ứng, bất thường cấu trúc, sâu răng và vi nấm.

Bệnh nhân có các triệu chứng của viêm xoang kéo dài trên ba tháng. Thỉnh thoảng bệnh nhân cảm thấy bệnh nặng hơn và phải uống một đợt thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng thì khỏi nhưng sau đó lại nhanh chóng tái phát trở lại.

Có rất nhiều người, ngoài các triệu chứng chính như nghẹt mũi, chảy mũi, đau vùng xoang và mất mùi, còn có các triệu chứng phụ khác như ho, khạc đàm màu xanh, nhức đầu, hơi thở hôi, mệt mỏi, kém tập trung hoặc trong những đợt cấp có thêm triệu chứng sốt.

Nếu bị viêm mũi xoang do dị ứng, thông thường bệnh nhân sẽ có thêm hai triệu chứng là ngứa mũi và hắc xì, và cứ kéo dài quanh năm, hoặc theo mùa, hoặc khi tiếp xúc với dị nguyên.

Nếu bị viêm xoang do sâu răng thì thường xoang hàm một bên bị ảnh hưởng, xoang hàm chứa mủ do nhiễm trùng từ răng sâu bên dưới, gây đau nhức mặt phía bên răng sâu hoặc nhức đầu và khạc đàm xanh hoặc vàng.

Nếu viêm mũi xoang do nấm, thì thường là viêm xoang hàm và xoang bướm. Trường hợp này, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì, hoặc chỉ bị nhức đầu, hoặc chỉ bị khạc đàm kéo dài.

Trong quá trình phát triển và hình thành mũi xoang, nhiều bệnh nhân có cấu trúc mũi xoang phát triển bất thường, ảnh hưởng đến sự dẫn lưu bình thường của mũi xoang, từ đó dễ dẫn đến viêm mũi xoang. Các dạng cấu trúc bất thường hay gặp: vẹo vách ngăn, phì đại cuốn mũi, hoặc có khối u, nang bất thường trong hố mũi hoặc có polyp mũi do viêm nhiễm lâu ngày.

hBiến chứng của viêm xoang

Ngày này, nhờ có kháng sinh, biến chứng của viêm xoang rất ít gặp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý trong những trường hợp viêm mũi xoang nặng do vi khuẩn nếu không điều trị, hoặc điều trị không đúng có thể đưa đến biến chứng viêm ổ mắt, mù mắt, viêm màng não, viêm não và áp xe não, có thể đe dọa đến tính mạng.

Khi nào cần phẫu thuật?

Đa số các trường hợp viêm mũi xoang, chỉ cần điều trị nội khoa là đủ. Các biện pháp điều trị nội khoa bao gồm: tập thể dục, ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc điều độ, giữ ấm, rửa mũi, uống thuốc và xịt thuốc chống dị ứng, đi khám bệnh khi có những đợt viêm cấp do vi khuẩn để được điều trị bằng kháng sinh phù hợp.

Phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang được thực hiện trong các tình huống viêm mũi xoang mạn tính không đáp ứng với điều trị nội khoa, hoặc viêm xoang mũi có biến chứng như viêm ổ mắt, chèn dây thần kinh thị giác, hoặc viêm mũi xoang do bất thường cấu trúc, sâu răng, và đặc biệt là viêm mũi xoang do nấm.

Trước đây, khi chưa có máy nội soi, phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang là phẫu thuật nạo xoang gây rất nhiều biến chứng và không giải quyết triệt để bệnh.

Ngày nay, phẫu thuật điều trị viêm mũi xoang được thực hiện dưới nội soi, ít chảy máu, ít đau, cho phép phẫu thuật chính xác mục tiêu cần phẫu thuật, các lỗ thông xoang được mở rộng và sự dẫn lưu sinh lý của mũi xoang được thiết lập lại, từ đó triệu chứng của bệnh được cải thiện.

Theo nhiều nghiên cứu, đối với các trường hợp viêm mũi xoang mạn tính có chỉ định phẫu thuật, sau khi điều trị bằng phẫu thuật nội soi mũi xoang, khoảng 80-90% bệnh nhân đều hài lòng vì chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt.

BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - BV FV TP.HCM