Bệnh về mũi

Bệnh về mũi

Đau rát mũi, đề phòng nhiễm trùng

 

TTO - Em hay bị ngứa mũi và đau rát mũi, liệu có phải em bị viêm xoang mũi không, nếu bị thì chữa như thế nào và có khỏi hẳn không? (V.V.H.)

Tư vấn của bác sĩ

Ngứa mũi và đau rát trong mũi thường gặp trong các trường hợp dị ứng hoặc có nhiễm trùng trong mũi. Nếu bệnh kéo dài, mỗi lúc một tăng thì có thể đây là trường hợp nhiễm trùng mũi, cần đi khám tai mũi họng để xác định lại và sử dụng kháng sinh, kháng viêm phù hợp.

Nếu chỉ là thỉnh thoảng mới bị, đặc biệt khi có các tác nhân lạ hoặc ở trong phòng máy lạnh nhiệt độ thấp thì đây có thể là viêm mũi dị ứng nếu kèm theo hắt xì, chảy mũi hoặc chỉ đơn thuần là phản ứng của cơ thể báo hiệu điều kiện này không phù hợp để chúng ta có điều chỉnh thích hợp như tránh tiếp xúc với dị nguyên hoặc giữ ấm, tránh lạnh.

Nếu bị viêm mũi xoang mãn tính em sẽ phải có ít nhất một trong bốn triệu chứng: đau nặng mặt, nghẹt mũi, chảy mũi, giảm hoặc mất mùi.

* Tôi năm nay 38 tuổi, từ lâu mũi tôi thường hay bị dị ứng khi thời tiết thay đổi, khi môi trường ô nhiễm, đã đi khám và BS bảo bị viêm mũi dị ứng. Khoảng vài năm trở lại đây tôi bị triệu chứng rất rõ rệt như sau: cứ sau mỗi lần uống rượu bia là sáng hôm sau bị nghẹt mũi rất nặng, khạc ra đờm xanh vàng, khoảng vài ngày sau mới hết, rất khó chịu. Vậy tôi xin hỏi triệu chứng trên là bệnh gì? Gần đây tôi có biết tới bệnh polip mũi, có phải tôi bị bệnh này không, nơi khám và điều trị tin tưởng nhất là bệnh viện nào? (TNT)

 Picture35

Tư vấn của bác sĩ

Trường hợp của bạn rất có thể có viêm xoang do vi trùng trên cơ địa có bệnh viêm mũi dị ứng sẵn có. Mỗi khi bạn uống rượu bia sẽ làm cho niêm mạc họng bị viêm làm giảm sự vận chuyển đàm nhớt xuống thực quản, do vậy ứ đọng đàm nhớt ở vòm mũi họng gây nghẹt mũi và khạc ra đàm.

Bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa, chụp một phim CT mũi xoang để kiểm tra toàn diện tình trạng mũi xoang hiện tại của bạn, khi đó phim CT cũng sẽ trả lời chính xác là bạn có polyp mũi hay chưa.

Đây là một bệnh lý khá phổ biến, bạn có thể đến khám ở khoa tai mũi họng của bất kỳ bệnh viện nào trong thành phố.

Hịện nay bạn có thể tự phòng bệnh bằng cách giảm uống bia rượu và rửa mũi bằng dung dịch nước mũi sinh lý mỗi tối trước khi đi ngủ để loại bỏ bớt đàm nhớt bệnh lý ở mũi họng.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Cắt polip gây vô sinh?

 

TTO - Tôi bị viêm mũi xoang từ khoảng năm nay. Đầu tiên là hắt hơi sổ mũi, dịch mũi chảy ở mũi và họng, sau đó một thời gian hỉ dịch mũi ra thỉnh thoảng thấy có máu. Ngạt mũi với cường độ tăng dần rồi mũi tắc hẳn, tôi phải dùng thuốc xịt và nhỏ để thông mũi. Những lần thời tiết thay đổi là lúc tôi cực khổ vô cùng, thỉnh thoảng hắt hơi và bắt đầu dịch mũi chảy ra, ngạt mũi, lúc này thuốc chống ngạt mũi không còn tác dụng nữa. Tôi mới đi khám ở một bệnh viện, bác sĩ bảo phải cắt cuống mũi hay polip mũi gì đó nhưng có thể không có con. Hiện tôi rất hoang mang, bệnh nặng cần phải điều trị mà tôi thì chưa lập gia đình nên chưa dám quyết định mổ. Xin bác sĩ trả lời với triệu chứng của tôi nếu mổ thì như thế nào và có ảnh hưởng gì đến khả năng có con sau này? (Ta Nhu Tuan)

Tư vấn của bác sĩ

Trước tiên chúng tôi xin chân thành được chia sẻ với bạn rằng chúng tôi biết bạn rất khó chịu với căn bệnh này, trong sách bách khoa từ điển chuyên ngành tai mũi họng của Pháp có một nhà mũi học từng phát biểu: con người thật sự tự do khi có cái mũi không bị nghẹt.

Bệnh lý của bạn có thể là tình trạng viêm mũi dị ứng với thời tiết nhưng có lẽ ban đầu bạn không điều trị đúng cách nên có thể bạn đã bị viêm mũi do thuốc, đồng thời do diễn tiến lâu ngày mũi của bạn có polip.

Nếu bạn chỉ bị viêm mũi do thuốc đơn thuần, bạn có thể sử dụng dung dịch natri clorua 0,9% để nhỏ mũi và một loại thuốc xịt mũi do bác sĩ chỉ định dùng hằng ngày để cho cuốn mũi của bạn hồi phục, tuy nhiên thời gian hồi phục sẽ rất lâu, kéo dài hàng tháng. Phẫu thuật cắt cuốn mũi được chỉ định khi điều trị nội thất bại.

Nếu bạn đã thật sự bị polip mũi, ở mức độ nhẹ bạn có thể chỉ nên điều trị nội khoa như trên là đủ. Nếu ở mức độ nặng hơn bạn nên được phẫu thuật để cắt bỏ bớt polip, tạo điều kiện cho việc điều trị nội khoa sau đó được dễ dàng và mau chóng đem lại kết quả hơn.

Hiện nay trong các sách viết về phẫu thuật cũng như các y văn mới nhất về tai mũi họng chúng tôi có được thì chưa thấy có bất kỳ tài liệu nào đề cập việc phẫu thuật cắt cuốn mũi và cắt polip gây vô sinh cả. Hội Tai mũi họng Việt Nam cũng như các hội tai mũi họng nổi tiếng của thế giới như Mỹ, Pháp chưa hề có một công bố nào về việc này.

Do vậy nếu bệnh lý của bạn có chỉ định phẫu thuật, bạn nên được phẫu thuật để cải thiện chất lượng sống tốt hơn, không nên quá lo lắng.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Phòng ngừa và điều trị viêm mũi xoang bằng rửa mũi

 

TTO - Mũi là cửa sổ của đường hô hấp nên ngoài chức năng để ngửi, mũi còn có các chức năng cơ bản đặc biệt quan trọng là làm ấm không khí, làm ẩm không khí và lọc không khí trước khi đưa vào phổi.

 Picture27

Khi bạn sống trong môi trường ô nhiễm, niêm mạc mũi phải tiếp xúc với nhiều bụi bẩn và vi trùng. Theo cơ chế sinh lý bình thường, các bụi bẩn và vi khuẩn này sẽ được giữ lại ở lớp niêm dịch trên niêm mạc mũi, sau đó được các tế bào lông chuyển ở niêm mạc mũi đẩy dần về phía sau vòm mũi họng và sau cùng sẽ đi vào thực quản.

Tuy nhiên, sự hoạt động này không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt khi ở trong những trường hợp môi trường quá ô nhiễm, khí hậu thay đổi thất thường hoặc cơ địa của bạn quá nhạy cảm.

Để niêm mạc mũi luôn sạch, rửa mũi bằng nước muối là việc làm rất cần thiết.

Việc rửa mũi bằng nước muối đã được biết đến và áp dụng hơn một thế kỷ. Đến nay đã có rất nhiều công trình có giá trị khoa học chứng minh hiệu quả của việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý trong phòng ngừa và điều trị một số bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang, các bệnh do nhiễm siêu vi hoặc vi trùng ở đường hô hấp trên.

Đặc biệt trong bệnh lý mũi xoang mãn tính, rửa mũi giúp làm sạch hố mũi, các khe thông mũi xoang và các xoang, tránh sự ứ đọng dịch nhầy, đàm mủ, giúp hồi phục chức năng vận chuyển của niêm mạc mũi xoang, giúp làm nhẹ các triệu chứng chảy mũi, nghẹt mũi, chảy mũi sau, nhức đầu, hơi thở hôi.

Trong giai đoạn hậu phẫu của bệnh lý viêm mũi xoang, rửa mũi là cách điều trị hỗ trợ cực kỳ quan trọng giúp loại bỏ máu tụ, vảy mũi, giúp cho bệnh nhân ít nghẹt mũi, dễ chịu và mau hồi phục.

Nước muối sinh lý nồng độ 9/1.000 (hay 0,9/100), có nồng độ thẩm thấu bằng với nồng độ thẩm thấu của tế bào, do đó sẽ không có bất kỳ hiện tượng làm ảnh hưởng đến các tế bào của niêm mạc mũi xoang nói riêng cũng như tế bào toàn cơ thể nói chung nên rất an toàn, có thể sử dụng tốt để rửa mũi cho cả trẻ em và người lớn mà không gây bất kỳ khó chịu hay tác dụng phụ đáng kể nào khi thực hiện rửa mũi hằng ngày lâu dài.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn có các gói muối biển đã chế biến sẵn, ngoài thành phần muối biển giàu khoáng chất và các nguyên tố vi lượng có lợi cho niêm mạc mũi xoang còn có thêm các chất khác như bi carbonate, chất cân bằng pH giúp cho những bệnh nhân có niêm mạc mũi nhạy cảm có cảm giác êm dịu và dễ chịu hơn.

Tuy nhiên các loại gói muối biển này giá thành cao hơn nước muối sinh lý thông thường và chưa phổ biến.

Cách rửa mũi bằng bình rửa mũi đúng cách:

• Rửa tay sạch

• Rửa bình rửa mũi sạch.

• Cho nước muối sinh lý hoặc nước tinh khiết pha với gói muối có sẵn vào bình nước. Kiểm tra nút đậy và van (nếu có) của bình rửa mũi.

• Đứng đối diện với bồn rửa, người nghiêng về phía trước sao cho khi rửa nước chảy ra từ mũi chảy vào bồn. Đầu nghiêng nhẹ sang phải nếu rửa bên mũi trái và ngược lại đầu nghiêng nhẹ sang trái nếu rửa bên mũi phải.

• Đặt vòi rửa vào lỗ mũi thật khít, há miệng to để tránh nước lên lỗ tai khi rửa. Bóp nhẹ chai nước để dung dịch đi từ mũi bên này và đi ra lỗ bên kia.

• Hỉ mũi thật nhẹ nhàng để loại bỏ nhầy và dịch còn sót lại trong hố mũi, không nên hỉ mạnh vì hỉ mạnh nước sẽ lên tai giữa gây ù tai khó chịu và có thể viêm tai. Nếu nước và dịch nhầy vẫn còn ứ đọng trong hố mũi, bạn có thể tiếp tục rửa và sau đó nhẹ nhàng hít sâu vào bằng miệng và thở ra bằng mũi nhiều lần, dịch mũi và dịch nhầy sẽ đi ra hết.

• Rửa lại bình rửa mũi và để ở nơi khô ráo.

Biến chứng rất hiếm gặp của rửa mũi là khi bơm nước vào hố với lực rất mạnh nhưng không hả miệng to, nước muối sẽ theo vòi nhĩ đi lên tai giữa gây đau tai hoặc viêm tai giữa.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Gai vách ngăn mũi gây ngất xỉu?

 

TTO - Tôi có 1 đứa em, gần đây khoảng 2 tuần em tôi hay bị nhức đầu và ngất xỉu. Khoảng 4 ngày thì bị khoảng 2 lần, nếu đi bộ càng nhiều thì càng dễ mệt và dẫn đến choáng váng sau đó là ngất xỉu. Em tôi đã đi khám ở BV, BS bảo em bị viêm xoang và có 1 cái gai trong mũi, chính cái gai ấy đã gây nhức đầu và ngất xỉu, phải mổ để trị dứt điểm. Mấy ngày nay theo chỉ dẫn từ bác sĩ thì em tôi chích thuốc 1 ngày 2 lần và hẹn 2 ngày sau sẽ mổ. Nhưng hiện tại em tôi đang sắp thi HK nên chúng tôi có xin khoảng 1 tháng rưỡi nữa mổ. Tôi có đọc bài trả lời của báo Tuổi Trẻ cho bài "Viêm xoang khi nào cần phẫu thuật". Xin cho tôi hỏi có trường hợp nào viêm xoang mà bị gai trong mũi và gây nhức đầu, ngất xỉu không? Nếu có thì kéo dài thời điểm mổ có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không? Và nếu mổ thì phải nằm viện bao lâu? (Nguyễn Nhật Khánh)

Tư vấn của bác sĩ

Các trường hợp vẹo vách ngăn, gai vách ngăn hoặc mào vách ngăn được chỉ định phẫu thuật khi: thứ nhất, gây nghẹt mũi cùng bên; thứ hai, gây hẹp phức hợp lỗ thông gây ra viêm xoang cùng bên; thứ ba, gây nhiều trở ngại trong phẫu thuật nội soi mũi xoang; thứ tư, gây nhức đầu dai dẳng mà đã loại trừ là không có các nguyên nhân khác.

Theo lời anh mô tả, trường hợp của em trai anh có 2 yếu tố làm chúng tôi rất ít nghĩ đến chẩn đoán gai vách ngăn gây nhức đầu bởi 2 lý do: thứ nhất là mới bị nhức đầu cách đây 2 tuần, nếu có gai vách ngăn thì gai này đã tồn tại từ lâu rồi (vì bản chất đây thường là một gai xương) tại sao từ trước đến giờ không gây nhức đầu? Nếu cho rằng do viêm mũi các cấu trúc trong mũi phù nề làm đụng vào gai gây ra nhức đầu thì em của anh có kèm theo triệu chứng của viêm mũi không (các triệu chứng như nghẹt mũi, chẳng mũi chẳng hạn)?

Thứ hai là tính chất đau đầu của em anh diễn tiến cấp tính với mức độ nặng đến ngất xỉu, thường thì trong các trường hợp gai vách ngăn tính chất đau đầu thường âm ỉ, diễn tiến mạn tính, chỉ tăng lên khi có đợt viêm mũi xoang cấp tính mà thôi và thường đi kèm với các triệu chứng sốt, hỉ hoặc khạc ra đàm xanh, nhưng đau đến mức bệnh nhân phải xỉu thì thật là ít nghe thấy. Do vậy em của anh nên được chụp CT mũi xoang, CT não cũng như khám với các bác sĩ chuyên khoa thần kinh là điều rất cần thiết.

Sau khi chẩn đoán được xác định, nếu có chỉ định phẫu thuật, em trai của anh nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt, dĩ nhiên có thể cân nhắc cho phù hợp với hoàn cảnh của chính mình như tình trạng sức khỏe, sự thuận lợi về thời gian cho công việc học tập hay làm việc, tình hình tài chính chi phí cho phẫu thuật, vì đây không phải là phẫu thuật cấp cứu đòi hỏi phải làm ngay.

Thời gian nằm viện sau khi mổ phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: thứ nhất là mức độ can thiệp trong lúc mổ: trong lúc mổ có thể kết hợp với phẫu thuật mở rộng phức hợp lỗ thông mũi xoang để trị viêm xoang; thứ nhì là tình trạng bệnh nhân sau mổ: bệnh nhân không chảy máu, ít đau nhức, tổng trạng tốt như đi lại ăn uống và sinh hoạt cá nhân tốt. Thông thường bệnh nhân có thể ở lại bệnh viện từ 1 đến 4 ngày tùy từng trường hợp cụ thể.

Sau cùng chúng tôi xin được nhắc với anh rằng người tư vấn tốt nhất và trả lời đầy đủ, chính xác các thắc mắc của anh chính là người bác sĩ ra chỉ định và sẽ phẫu thuật cho em anh.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)