Bệnh về họng và thanh quản

Bệnh về họng và thanh quản

Nhiều ngộ nhận về amiđan

 

TT - Mỗi khi bác sĩ tai mũi họng khuyên cần cắt amiđan để bảo vệ sức khỏe, hầu hết người bệnh đều e ngại. Người lo lắng “mất máu, đau đớn, phải nhịn ăn cả tuần”. 

 Picture22

Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ ăn uống lạnh dễ gây viêm amiđan

Người làm nghề dẫn chương trình, ca sĩ thì hoảng hốt “sau khi cắt amidan có thể bị đổi giọng” hay kinh khủng hơn là “câm vĩnh viễn”.

Phần nhiều bệnh nhân ôm những lo ngại đó đến tận ngày vào phòng mổ hoặc tệ hơn là bỏ luôn điều trị, bỏ luôn bác sĩ và chấp nhận gánh chịu những nguy cơ đối với sức khỏe của mình khi âm thầm quyết định giữ lại hai khối amiđan mà đáng lý ra cần phải loại bỏ.

* Mấy tuổi có thể cắt amiđan?

- Đây là câu hỏi thường gặp và cũng là vấn đề rất hay bị hiểu không chính xác, do sự truyền miệng lẫn nhau giữa các bệnh nhân hoặc sự tư vấn chưa đầy đủ của nhân viên y tế. Thật sự việc cắt amiđan hoàn toàn không phụ thuộc vào tuổi, mà phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh do amiđan gây ra. Ở trẻ em, phẫu thuật cắt amiđan có thể được thực hiện ở trẻ lớn hơn 2 tuổi.

* Cắt amiđan có làm giảm sức đề kháng hoặc ảnh hưởng đến miễn dịch không?

- Amiđan là một trong những cơ quan miễn dịch ở đường tiêu hóa và hô hấp trên, có chức năng tiết ra một số globuline phòng chống một số bệnh đi vào cơ thể qua đường miệng.

Tuy nhiên, tới nay các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khi theo dõi ở người đã được cắt amiđan thì lượng globuline miễn dịch này có sự thay đổi không đáng kể và không hề ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của mỗi người.

* Nên cắt amiđan khi nào?

- Cắt amiđan nên thực hiện trong các tình huống sau:

Thứ nhất, cắt amiđan khi amiđan phì đại gây tắc nghẽn, có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ. Nếu là trẻ em, bệnh thường có các triệu chứng như ngủ ngáy, trong giấc ngủ có cơn ngưng thở tím tái, giật mình, quấy khóc, đái dầm... hoặc khi trẻ chậm lớn, kém ăn, hay bị ói, khó nuốt, khó nói do amiđan quá to.

Thứ hai, cắt amiđan khi bị viêm amiđan mãn tính, tái phát nhiều lần trong năm làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Thứ ba, cắt amiđan khi viêm amiđan gây ra các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim do vi trùng ở amiđan, viêm cầu thận, viêm khớp do vi trùng ở amiđan, apxe quanh amiđan, viêm hạch cổ.

Ngoài ra còn có những chỉ định cắt amiđan khác như trong trường hợp nghi ngờ bị ung thư hoặc hôi miệng do amiđan có nhiều ngách hay đọng lại thức ăn, sỏi amiđan, nấm amiđan.

* Cắt amiđan có gây ra tai biến nguy hiểm không?

- Tuy là một phẫu thuật đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn, thường tối đa không quá 30 phút, nhưng cũng như các phẫu thuật khác, phẫu thuật cắt amiđan tiềm ẩn những tai biến như tai biến do gây mê, tai biến do chảy máu sau mổ.

Để phòng ngừa những tai biến này, bệnh nhân cần cho bác sĩ biết rõ những tiền căn dị ứng hoặc những bệnh lý nội ngoại khoa đã hoặc đang có. Đồng thời sau mổ nên kiêng dùng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Nên ăn các thức ăn lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.

* Sau khi cắt amiđan có cần kiêng cữ nói chuyện?

- Trước kia sau khi cắt amiđan phải cữ nói, nhưng ngày nay với phương pháp cắt amiđan bằng laser thì sau khi cắt bệnh nhân có thể nói chuyện được ngay. Phương pháp laser hiện đại sử dụng tia laser mỏng, nhỏ không tổn thương mô xung quanh, ít chảy máu và ít bỏng. Nhờ đó vết mổ ít phù nề, bệnh nhân ít bị đau, thời gian hồi phục nhanh, có thể nói chuyện được và ăn uống nhẹ ngay sau mổ.

Tuy nhiên nên tránh những hoạt động thể lực như chạy chơi, bơi lội, đá bóng trong hai tuần.

Cắt amiđan có phải nằm viện không?

Hiện nay tại các bệnh viện lớn, những bệnh nhân từ 4 tuổi trở lên có thể cắt amiđan và xuất viện trong cùng một ngày, nếu ở xa có thể nằm lại bệnh viện một đêm. Trẻ dưới 4 tuổi cắt amiđan vì những lý do đặc biệt bắt buộc phải nhập viện 2-3 ngày đến khi thật sự ổn định mới xuất viện.

Ths.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Nóng vùng họng

 

TTO - Tôi hay bị chứng bệnh sổ mũi vào trời lạnh, tình trạng này khoảng 1 năm gần đây. Nhưng kể từ khi tôi đi công tác ở tỉnh Thanh Hóa thời tiết rất lạnh (từ 10 đến 14 độ), tôi lại bị sổ mũi nặng hơn, đồng thời bị ù tai, khan họng (nhất là khi mới dậy vào buổi sáng, rất rát), miệng bị mất vị, mũi không ngửi được mùi. Tôi đã mua thuốc chống sổ mũi, trị đờm uống được 3 ngày nhưng vẫn chưa hết. Các triệu chứng như trên vẫn còn y, chỉ có tình trạng sổ mũi là đỡ hơn chút ít. Xin phòng tư vấn sức khỏe online tư vấn giúp tôi. (Bạn đọc) 

 Tư vấn của bác sĩ

Với một người có tiền căn hay bị chứng sổ mũi khi trời lạnh như bạn, nay lại bị nghẹt mũi, mất mùi, khan giọng, mất vị giác, ù tai khi trời lạnh chúng tôi nghĩ bạn đang bị đợt cấp của tình trạng viêm mũi xoang mạn tính. Tức là đợt viêm mới xảy ra với các triệu chứng nổi bật trên nền tình trạng viêm âm ỉ có sẵn mà có thể bạn không cảm nhận được.

Hiện bạn có thể tự điều trị cho mình bằng cách nhỏ thuốc co mạch tại chỗ (lưu ý thuốc này không sử dụng quá một tuần), rửa mũi bằng nước muối sinh lý và uống thuốc tan đờm. Bạn lưu ý không nên hỉ mũi quá mạnh vì có thể làm ù tai tăng lên hoặc viêm tai giữa nếu như dịch mũi quá nhiều.

Nếu sau một tuần bệnh vẫn chưa khỏi bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có cách điều trị phù hợp hơn.

* Khoảng nửa năm trở lại đây, tôi cảm thấy trong miệng nóng rất khó chịu, sau đó tự khỏi trong khoảng thời gian 2 tháng, và bây giờ tôi lại gặp lại tình trạng nóng miệng và thêm vào đó là nóng họng, kèm thêm là hơi rát họng, thêm vào đó là mũi có đàm, thường xuyên phải khạc nhổ. Một tháng trở lại đây tình trạng trên ngày nào cũng diễn ra, đặc biệt là vào buổi trưa và buổi tối Hiện tại, ngoài những biểu hiện trên thì sức khỏe tôi vẫn bình thường. Cách đây không lâu (chưa quá nửa năm) tôi đã từng nội soi dạ dày, siêu âm, x-quang phổi và vẫn chưa phát hiện điều gì bất thường! Vậy kính mong được bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khỏe của tôi! Tôi xin chân thành cảm ơn! (Bạn đọc) 

 - Hiện anh có hai triệu chứng chính là rát nóng họng đồng thời mũi có đàm. Các triệu chứng này kéo dài và mức độ ngày càng tăng dần.

Đây rất có thể là tình trạng viêm mũi xoang, ban đầu tình trạng viêm còn nhẹ, dịch mũi không nhiều lắm chỉ đủ chảy ra phía sau gây viêm niêm mạc họng, làm anh đau họng nhẹ hoặc rát họng kéo dài, dần dần tình trạng viêm tại mũi trở nên nặng hơn nên biểu hiện rõ là mũi có dịch.

Để điều trị tình trạng này anh cần rửa mũi và súc miệng sạch sẽ mỗi ngày bằng nước muối sinh lý. Nếu sau một tuần bệnh không tiến triển tốt hơn rõ rệt, anh nên đến khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để có đánh giá chính xác hơn từ đó có cách sử dụng thuốc phù hợp.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Đau họng một bên

 

TTO - Tôi tên Hoa, 37 tuổi, tôi đang bị ốm và có triệu chứng như sau: Cách đây 1 tháng tôi bị cảm nặng, sau đó thì ho có đờm rất nhiều. Tôi có đi khám bệnh và được bác sĩ cho thuốc uống. Tuy nhiên đến nay tôi chưa khỏi hẳn và vẫn thấy hơi đau 1 bên cổ họng khi nuốt nước bọt. Một bên tai của tôi (cùng bên đau họng) hơi tưng tức, nặng nặng. Tôi không đau đầu và không thấy xuất hiện hạch. Vậy tôi muốn nhờ các BS ở phòng mạch giải đáp giúp tôi xem tôi có khả năng đang bị bệnh gì? Cần phải đi khám ở đâu? Cần yêu cầu các xét nghiệm gì? (quynhhoapnd)

- Trả lời Th.s, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - Phòng mạch online:

Nguyên nhân của đau họng một bên thường gặp thứ nhất là sỏi amiđan. Do tiến trình viêm mạn tính, trong các ngách của amiđan có chứa nhiều "viên sỏi" được hình thành từ thức ăn, xác vi khuẩn và chất tiết của mô amiđan, khi bị bệnh này bệnh nhân thường có triệu chứng nuốt vướng một bên, hôi miệng và thỉnh thoảng khạc ra viên sỏi giống như 1/2 hạt cơm hoặc 1/4 hạt đậu phộng, màu vàng nhạt, rất hôi.

Nguyên nhân thứ hai là viêm mũi xoang cùng bên, thông thường là xoang hàm, dịch nhiễm trùng trong xoang chảy xuống làm bệnh nhân có cảm giác rát, gây đau một bên thành họng, đặc biệt sau khi ngủ dậy. Trường hợp này thường kèm theo các triệu chứng về mũi xoang như nghẹt mũi, chảy mũi, ho, người mệt mỏi uể oải.

Nguyên nhân thứ ba là trào ngược họng thanh quản. Bệnh nhân thường đồng thời có các triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, tằng hắng, cảm giác vướng trong họng và các triệu chứng về tiêu hóa như ăn khó tiêu, đầy hơi họăc đau thượng vị.

Ngoài ra có thể có các nguyên nhân hiếm gặp hơn như ung thư vòm mũi họng, ung thư thành bên họng, ung thư hạ họng thanh quản. Trong giai đoạn đầu của các bệnh lý này có thể có triệu chứng đau mơ hồ ở một bên họng và có thể chưa có hạch.

Trường hợp của bạn triệu chứng đau họng một bên xuất hiện sau khi bị cảm nặng, và hiện nay vẫn chưa khỏi hẳn, do vậy rất có thể bạn bị viêm mũi xoang. Để chẩn đoán bệnh bạn cần được khám tai mũi họng tỉ mỉ bằng nội soi để đánh giá mũi xoang, vòm mũi họng và hạ họng thanh quản tại các cơ sở có uy tín.

 

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Làm nhẹ triệu chứng trào ngược thanh quản

 

TTO - Trước tiên, em xin rất cảm ơn phòng mạch đã cung cấp các thông tin rất hữu ích cho độc giả và một trong các số đó là hữu ích đối với cá nhân em. Em hay bị khô họng khi ngủ buổi trưa (chỉ buổi trưa thôi) và ho, ngủ dậy buổi trưa thì tim đập nhanh hơn bình thường, em thường xuyên bị mệt mỏi, em đã đi kiểm tra sức khỏe tim mạch gan, phối, tất cả đều bình thường. Vậy em bị bệnh gì, có phải do nội tiết không?" (Nguyen Le Quyen)

- Trả lời của Th.s, BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - phòng mạch online

Theo những gì bạn mô tả, triệu chứng ho, khô họng và tim đập nhanh xuất hiện sau khi ngủ trưa dậy, chúng tôi nghĩ bạn đang bị trào ngược thanh quản.

Trong bệnh lý này, do nhiều nguyên nhân như dư axít, rối loạn cơ thắt cơ vòng thực quản, hoặc bệnh lý viêm dạ dày do vi trùng helicobacter pylori hoặc không, làm axít trào ngược lên họng, lên thanh quản làm cho họng khô rát, ho.

Để trị bệnh này, bạn cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc chuyên khoa tai mũi họng.

Trong thời gian này, để làm nhẹ triệu chứng bạn có thể điều chỉnh một số thói quen về sinh hoạt và ăn uống như: buổi trưa ăn thật nhẹ, ăn xong không nên uống nước ngay, sẽ uống nước sau khi ngủ trưa dậy; ăn xong không nên đi nằm ngay, khoảng ba mươi phút sau ăn trưa mới nên đi nằm; khi nằm thì nên nằm trên ghế xếp để tạo độ dốc giảm bớt trào ngược axít vào thực quản và thanh quản.

Ngoài ra bạn nên giảm bớt ăn thịt hoặc các món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ khó tiêu, các món nhiều gia vị tiêu, hành, ớt; và cữ uống bia rượu, giảm ăn ngọt, giảm ăn chua, giảm uống thức uống có gas. Bên cạnh đó bạn nên có một cuộc sống tinh thần nhẹ nhàng, thoải mái, không stress thì bệnh mới có thể thuyên giảm hoàn toàn.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)