Bệnh về họng và thanh quản

Bệnh về họng và thanh quản

Đau khớp thái dương hàm

 

TTO - Tôi năm nay 27 tuổi, thường rất hay bị đau họng, khản tiếng. Khoảng 2 tháng nay tôi bị một triệu chứng vô cùng khó chịu. Khớp hàm phải của tôi hay phát ra tiếng khậc khậc mỗi khi há miệng làm tôi rất khó khăn trong việc ăn uống cũng như nói chuyện. Có những khi tôi cảm giác hàm cứng đờ lại và khó điều khiển. Trong thời gian này thi thoảng tôi bị đau họng (cùng bên với bên khớp hàm bị cứng), và đau tai (rất rất đau, đau như có ai chọc ngoáy vào vậy) nhưng khi khám nội soi tai mũi họng thì bác sỹ kết luận tai mũi họng của tôi không sao hết, rất sạch và chỉ cần súc miệng nứơc muối là khỏi. Nhân ngày khám bệnh tổng quát của công ty tại bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, tôi có khỏi bác sỹ và muốn được chụp X-quang khớp hàm để xem có bị "trật khớp" hay không nhưng bác sỹ phòng chụp X-quang lại gạt đi và nói tôi chỉ nên đi khám chuyên khoa răng hàm mặt? Vậy cho tôi hỏi bệnh của tôi là bệnh gì, có thể chữa trị tại nhà không hoặc nếu không, tôi nên đi khám ở đâu cho đúng nhất? (Lê Y Linh) 

 Trả lời của Th.s BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG - Phòng mạch online:

Hiện bạn đang bị đau khớp thái dương hàm bên phải làm khó ăn khó nói, đau có tính chất lan lên tai và lan xuống thành họng cùng bên. Đây là các triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm khớp thái dương hàm chứ không phải là trật khớp thái dương hàm, vì nếu trật khớp thái dương hàm thì bạn không thể ăn được cho đến khi khớp được nắn lại vì sẽ rất đau và khớp không cử động được.

Nguyên nhân thường gặp của bệnh bao gồm chấn thương, bệnh thoái hóa khớp, tật nghiến răng, nhai kẹo cao su quá nhiều, nhai thức ăn lớn, quá cứng, trật khớp cắn do một số vấn đề về răng hoặc hội chứng rối loạn đau cơ mặt.

Trong những trường hợp nhẹ, có nguyên nhân rõ ràng bạn chỉ cần sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường bệnh sẽ khỏi sau năm đến bảy ngày. Các trường hợp còn lại nên khám với bác sĩ răng hàm mặt và trong một số ít nên khám với bác sĩ nội thần kinh để tìm ra đúng nguyên nhân để có thể điều trị dứt điểm bệnh.

Hiện bạn nên để khớp được nghỉ ngơi bằng cái ăn thức ăn mềm, ít nhai, ít nói và không nằm để mặt nghiêng sang bên bị bệnh.

* Gần đây (khoảng 2 tuần) nay tôi cảm thấy đau (đau ngứa) ở trong tai trái, kèm theo đau nửa đầu trái, nhất là đau tai rất khó chịu. Trước đây khoảng 1 năm tôi cũng bị nhưng một thời gian lại khỏi. Tôi đã đi khám tai mũi họng cách đây khoảng 5 ngày, BS kết luận: tai trái có xung huyết, màng nhĩ hai bên kém sáng, viêm họng mạn tính, vòm họng nhẵn (trongtin).

- Theo lời anh mô tả thì các triệu chứng của anh đau ngứa tai bên trái và kèm theo đau đầu trái. Như vậy khám kiểm tra tai trái là bước đầu tiên phải làm, bện cạnh đó soi kiểm tra vòm họng và mũi xoang cũng rất cần thiết để có chẩn đoán chính xác và tránh bỏ sót.

Kết quả nội soi tai mũi họng của anh phát hiện có viêm tai ngoài bên trái là rất phù hợp, có thể giải thích được các triệu chứng, vòm mũi họng và mũi xoang bình thường.

Như vậy anh nên tiếp tục tuân thủ điều trị theo toa bác sĩ đã cho và tái khám lại cho đến khi khỏi hẳn bệnh.

Trong thời gian này ngoài thuốc nhỏ tai bác sĩ đã kê toa, anh không nên ngoáy tai hoặc đưa bất cứ vật gì kể cả bông gòn ngoáy tai, vì có thể sẽ làm bệnh của anh nặng thêm do chấn thương ống tai hoặc nhiễm trùng.

Th.S BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Những hạt trắng trong miệng là gì?

 

TTO - Tại vùng vòm họng chỗ có hai rãnh thông từ mũi xuống miệng tôi thấy đôi khi rãnh phía tay trái có vật gì cộm lên làm chỗ đó hơi khó chịu. Lấy tay ấn nhẹ vào chỗ cộm đó thì thấy phọt ra những hạt nhỏ như những mảnh cơm hoặc bựa bám vào có màu vàng như mủ và có mùi hôi, đôi khi tôi khạc nhổ các vật này cũng theo ra luôn. Tại nơi mà tôi lấy các vật này ra có một lỗ nhỏ gần ngay rãnh thông lên mũi, tôi quấn bông vào đầu tăm ngoáy vào đó thấy có máu và một chút màu vàng như mủ dính vào và có mùi hôi. Cứ khoảng vài tháng hễ nuốt nước bọt mà cảm thấy có mùi hôi khác thường là tôi biết chỗ đó có những vật này, đôi khi chúng cũng gây rát họng nhẹ. Xin cho tôi hỏi đây có phải một trong những dấu hiệu của bệnh ung thư vòm họng hay là một bệnh gì khác? Năm nay tôi 45 tuổi và triệu chứng này đã có từ hơn 10 năm rồi. Tôi làm nông nghiệp, trong quá trình canh tác hay tiếp xúc với thuốc trừ sâu. (atn_quocthe@...)

Tư vấn của bác sĩ

Theo mô tả của bạn thì rất có thể các rãnh đó chính là ngách của amiđan. Các hạt màu trắng hoặc vàng nhạt phọt ra, có mùi hôi gọi là bã đậu amiđan, tên khoa học gọi là sỏi amiđan.

Các hạt sỏi này ở trong các ngách của amiđan và được tạo thành từ tế bào lymphô sống hoặc đã bị thoái hóa, cùng với các tế bào biểu mô bong tróc và các vi sinh vật.

Sỏi amiđan có nhiều khi amiđan bị viêm mãn tính. Trong một số trường hợp các hạt sỏi này không gây triệu chứng gì. Đa số trường hợp sỏi amiđan gây ra nuốt vướng, rất khó chịu, đôi lúc có cảm giác giống như hóc xương, đau nhoi nhói lan lên tai, và cũng là một trong những nguyên nhân làm hơi thở hôi.

Cách điều trị tình trạng này là thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày, trong những đợt nhiễm trùng cấp cần sử dụng kháng sinh phù hợp. Nếu bệnh cứ lặp đi lặp lại gây nhiều phiền toái cho người bệnh thì phẫu thuật cắt amiđan là cần thiết.

Trường hợp của bạn hoàn toàn không phải là ung thư vòm mũi họng. Triệu chứng của bệnh ung thư vòm mũi họng theo thứ tự xuất hiện bao gồm: hạch cổ, ù tai, nghe kém, chảy máu mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, liệt mặt, nhìn đôi, sụt cân.

* Con tôi 2 tuổi vừa chọc bông vào tai. Cháu khóc, đau đớn, tai chảy máu. Xin tư vấn giùm cháu có bị thủng màng nhĩ không và hướng theo dõi, giải quyết ra sao? (ranthuy78)

- Chấn thương tai ở trẻ em là một tình huống rất thường gặp, hoặc do trẻ tự đưa vật sắc nhọn chọt vào tai hoặc do trẻ tự ngoáy tai bằng que bông hoặc do chính phụ huynh sơ suất trong lúc ngoáy tai cho trẻ bằng que bông. Nhưng cũng rất may mắn là trong đa số trường hợp chỉ là chấn thương ống tai ngoài, một số ít nặng hơn thì chấn thương thủng màng nhĩ. Nhưng các trường hợp thủng nhĩ này trên chín mươi phần trăm sẽ tự lành sau hai tháng theo dõi.

Trường hợp của con anh nên khám tai mũi họng và nội soi xem màng nhĩ có thủng hay không để có cách điều trị và theo dõi phù hợp. Thông thường phải giữ tai của bé thật sạch, tránh để nước vào, trong trường hợp có hoặc nghi ngờ nhiễm trùng thì phải sử dụng kháng sinh tại chỗ sau khi đã hút rửa sạch ống tai.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG(Khoa tai mũi họng BV FV TP.HCM)

Đàm trong cổ họng có thể do trào ngược 

 

TTO - Cháu là giáo viên THPT nên hay phải nói nhiều. Gần đây họng cháu có những biểu hiện sau đây khiến cháu rất khó chịu và lo lắng, rất mong bác sĩ tư vấn giúp cháu. 

- Họng cháu có rất nhiều đờm, dai, khó khạc nhổ ra.

- Miệng có mùi hôi nếu lâu lâu không súc miệng

- Khi súc miệng cháu vô tình móc vào họng thì thấy ngay sau amidan có một cục bằng đầu ngón tay cứng, động vào là buồn nôn.

Vậy cháu muốn hỏi bác sĩ cháu bị bệnh gì, có nguy hiểm không và đi khám thì cần khám ở đâu và khám những gì?

Cháu cảm ơn nhiều! (Lyloan)

Tư vấn của bác sĩ

Làm nghề giáo viên, bạn cần có họng thật khỏe để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Do vậy việc giữ gìn sức khỏe cho họng rất quan trọng. Điều trước tiên chúng tôi có thể khuyên bạn là cần thường xuyên uống nước, đặc biệt ngay cả lúc đang dạy để tránh khô họng, dễ bị viêm họng.

Hiện nay tình trạng bệnh như bạn mô tả, chúng tôi nghĩ bạn đang có viêm amiđan mãn tính có sỏi amiđan. Bệnh do tình trạng viêm nhiễm nhiều lần theo thời gian gây nên. Bệnh lý này gây ra triệu chứng nuốt vướng do có sỏi trong amiđan, chỗ mà bạn sờ cảm nhận được.

Bệnh này cũng thường gây ra hôi miệng mặc dù các vấn đề răng miệng đã được giải quyết thật tốt. Thỉnh thoảng có thể bạn sẽ khạc ra những viên sỏi rất hôi, mềm mềm màu vàng đục. Điều trị bệnh này hiện nay cách tốt nhất là cắt amiđan, bệnh sẽ khỏi hẳn.

Khác với trong quá khứ, ngày nay phẫu thuật cắt amiđan được thực hiện rất an toàn, sau phẫu thuật rất ít đau, bệnh nhân có thể nói chuyện ngay sau khi cắt, chỉ cữ ăn uống cứng nóng chua cay 10 ngày. Nếu chưa đi cắt được bạn có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý để súc miệng và làm họng sạch hơn mỗi ngày.

Riêng triệu chứng có đàm trong họng rất có thể do tình trạng trào ngược dịch vị từ bao tử lên gây viêm họng và ứng đọng đàm ở họng. Ngoài các triệu chứng này, bệnh lý trào ngược có thể làm khô họng, nói mau mệt và dễ khàn tiếng. Nếu có các triệu chứng này bạn nên đi khám bác sĩ để được nội soi và điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, bệnh lý trào ngược này rất dễ tái phát do chế độ ăn uống không phù hợp và làm việc căng thẳng, nhiều áp lực. Do vậy bước đầu tiên làm giảm bệnh và phòng ngừa bệnh là kiêng cữ ăn uống như cữ ăn quá nhiều dầu mỡ khó tiêu, quá nhiều thịt, cữ uống quá nhiều chất có vị chua, cữ ăn quá nhiều trái cây chua, cữ ăn nhiều đồ ngọt, cữ uống rượu bia, nước ngọt có gas và tránh uống nhiều nước sau ăn, tránh đi nằm ngay hoặc làm việc ngay sau ăn. Buổi tối nên ăn ít và cách giấc ngủ trên 3-4 tiếng.

Chúc bạn mau khỏe.

 

Ths BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG, BV FV TP.HCM

Viêm loét niêm mạc họng

 

TTO - Tôi năm nay 25 tuổi, là giáo viên mầm non, tôi có tiền sử viêm xoang. Giữa tháng 12 lớp tôi có 1 học sinh bị quai bị gần hết và đã đi học. Hôm đó bé ngủ chung với tôi, khi thức dậy tôi thấy tai mình ù và nghe kém. Tôi đi bác sĩ khám và được chẩn đoán là do xoang biến chứng gây ảnh hưởng tai. Bác sĩ cho uống thuốc 5 ngày rồi tái phát. Tôi uống trong vòng 1 tháng tai nghe rõ hơn nhưng vẫn còn ù (ve kêu) khi không có tiếng ồn thì nghe tiếng ve kêu rõ hơn. Thấy không có hiệu quả nên tôi đã ngưng. Sau đó 2 tuần sau thì hàm bên trái của tôi hơi sưng lên, phía dưới cổ hàm trái rờ vào thấy đau, miệng lở 1 bên. Xin bác sĩ cho tôi hỏi có phải tôi bị quai bị không? Hay do tôi uống nhiều kháng sinh? (Bạn đọc)

Tư vấn của bác sĩ:

Bệnh quai bị là một bệnh lây nhiễm do virút, bệnh thường biểu hiện sưng một hay nhiều các tuyến nước bọt. Thời gian ủ bệnh khoảng 12-25 ngày kể từ ngày tiếp xúc với người mắc bệnh.

Trong khi đó, bạn có tiếp xúc với bé bị quai bị từ giữa tháng 12, đến nay là giữa tháng 1, tổng cộng hơn 30 ngày. Như vậy về yếu tố thời gian cho thấy rất ít khả năng bạn bị bệnh quai bị.

Hiện tại bạn bị sưng nhẹ dưới hàm trái, đồng thời có lở miệng bên trong một bên. Hai triệu chứng này rất phù hợp với bệnh viêm loét miệng và nổi hạch phản ứng cùng bên.

Do vậy, một lần nữa có thể đoán là bạn không phải bệnh quai bị mà chỉ bị chứng viêm loét niêm mạc họng thông thường và có nổi hạch cổ mà thôi. Để điều trị chứng bệnh viêm loét miệng này bạn chỉ cần uống thuốc giảm đau, uống nước nhiều, thêm mỗi ngày một ly nước cam vài hôm bệnh sẽ tự khỏi. Việc bạn sử dụng quá nhiều kháng sinh cũng có thể gây cho cơ thể nóng và dễ bị chứng bệnh viêm loét miệng này.

Chúc bạn khỏe.

ThS.BS NGUYỄN TRƯƠNG KHƯƠNG (khoa tai mũi họng Bệnh viện FV TP.HCM)